Nam giới có nồng độ acid uric trong máu cao ít có khả năng phát triển bệnh Parkinson. Đó là kết quả nghiên cứu khoa học mới đây được đăng tải trên  tạp chí của Hiệp hội Thần kinh học Hoa Kỳ (AAN) ngày 13/1/2016.

Acid uric là gì

Acid uric là sản phẩm phân huỷ của purine – có nhiều trong các loại thịt và sản phẩm từ thịt, đặc biệt là các nội tạng động vật như gan và thận. Qua quá trình chuyển hoá thức ăn, acid uric được tạo thành trong máu, sau đó được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Nếu như quá trình chuyển hoá này bị rối loạn, nồng độ acid uric trong máu cao có thể dẫn đến bệnh gút, và làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.

Bằng chứng cho thấy acid uric cao ít có khả năng tiến triển bệnh Parkinson

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã tiết lộ một lợi ích đáng ngạc nhiên của acid uric, đó là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở nam giới. Đây là kết quả có được từ một nghiên cứu lớn trên 90.214 người tham gia, trong đó bao gồm 3 nghiên cứu nhỏ. Tất cả những người tham gia được xét nghiệm máu để đo nồng độ acid uric. Sau khi nghiên cứu bắt đầu, có 388 người được phát hiện mắc bệnh Parkinson. Kết quả xét nghiêm máu của họ được so sánh với nhóm 1267 người khác không mắc bệnh Parkinson.

Nồng độ acid uric trong máu người tham gia nghiên cứu được ghi nhận thấp nhất là dưới 4.9 mg/dL, cao nhất là từ 6.3 – 9.0 mg/dL, trong khi nồng độ bình thường dao động từ 3.5 – 7.2 mg/dL. Kết quả phân tích số liệu cho thấy những người có nồng độ acid uric cao nhất có nguy cơ phát triển bệnh Parkinson ít hơn 40% so với những người có nồng độ acid uric thấp nhất. Kết quả này được tính toán sau khi đã loại trừ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson như độ tuổi, hút thuốc lá, sử dụng caffeine. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan nào giữa nồng độ acid uric và nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở phụ nữ.

Vì sao acid uric cao có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở nam giới?

Theo tác giả nghiên cứu - Tiến sỹ, bác sỹ Xiang Gao tại đại học bang Pennsylvania: “Kết quả của nghiên cứu này cho thấy acid uric có thể đóng vai trò bảo vệ tế bào não, qua đó giúp ngăn ngừa bệnh Parkinson hoặc làm chậm tiến trình bệnh ngay ở giai đoạn đầu trước khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động. Đồng thời, phát hiện này cũng sẽ hỗ trợ cho nhiều nghiên cứu khác để làm sáng tỏ liệu làm tăng hàm lượng acid uric ở người bệnh Parkinson giai đoạn sớm có thể giúp làm chậm tiến trình bệnh ”.

Theo nghiên cứu khác từ trung tâm chăm sóc sức khỏe Rambam – thuộc Haifa, Israel thì: Acid uric là một chất chống oxy hóa tự nhiên có thể làm giảm quá trình stress oxy hóa - một nguyên nhân đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson. Nồng độ urat huyết thanh cao hơn bình thường có thể có tác dụng bảo vệ thần kinh, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh này. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, người mắc Parkinson có nồng độ urat máu thấp hơn so với nhóm chứng.

  Nguoi-co-nong-do-acid-uric-cao-it-co-nguy-co-tien-trien-benh-Parkinson

Người có nồng độ acid uric cao ít có nguy cơ tiến triển bệnh Parkinson

Bổ sung acid uric có thể giúp làm chậm tiến trình bệnh Parkinson?

Bổ sung acid uric có thể giúp làm chậm tiến trình bệnh Parkinson hay không vẫn đang là một câu hỏi cần khoa học giải đáp. Trên thực tế, làm tăng nồng độ acid uric trong máu là một việc khá dễ dàng và không tốn kém, tuy nhiên nồng độ acid uric quá cao có thể gây ra sỏi thận và bệnh gút. Vì vậy, việc này cần phải được thực hiện một cách thận trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng.

TS. Gao khẳng định: Nghiên cứu này chỉ phát hiện ra mối liên quan giữa nồng độ acid uric cao trong máu và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson, không chứng minh rằng hàm lượng acid uric cao sẽ giúp phòng ngừa bệnh Parkinson. Tuy nhiên, nó sẽ giúp mở ra nhiều nghiên cứu mới trong tương lai để phòng và điều trị bệnh Parkinson. Hiện tại, kết hợp phác đồ điều trị và chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như là các giải pháp bổ sung là biện pháp tối ưu để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

                            Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn:
http://consumer.healthday.com
http://www.ncbi.nlm.nih.gov

Bình luận