Bệnh tiểu đường là nguyên nhân của nhiều bệnh cơ xương khớp như loãng xương, khớp bàn tay, cổ chân.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cũng như nhiều chức năng của toàn bộ cơ thể. Do đó, bên cạnh bệnh ĐTĐ, người bệnh cũng đồng thời đến khám tại các cơ sở y tế về các bệnh về cơ xương khớp.

Mặc dù chỉ xảy ra khoảng 5 – 15% bệnh nhân (BN) ĐTĐ nhưng bệnh cơ xương khớp cần được quan tâm vì có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh do những tác hại của nó đến khả năng lao động, nhu cầu sinh hoạt, cũng như về thẩm mỹ, tinh thần…

I. Phân loại bệnh cơ xương khớp do tiểu đường

A. Nhóm bệnh có mối liên quan với tiểu đường:

1. H/C đường hầm (H/C ống cổ tay; H/C GuyonL H/C ống cổ chân)

Người bệnh thấy triệu chứng tê rần ở bàn tay hoặc bàn chân. Cảm giác tê càng tăng lên trong tư thế buông thõng tay (hay chân), gập vùng cổ tay, cổ chân trong nhiều giờ liền. Nguyên nhân bị chèn ép thần kinh ở khu vực cổ tay, cổ chân mà giới chuyên môn gọi là hội chứng ống cổ tay, hay ống cổ chân tùy theo vị trí bệnh.

2. Bệnh Dupuytren

Bàn tay và các nóng bị co rút, cong quặp như bàn chân chim do các gân gấp ở lòng bàn tay dày lên. Tình trạng này là do các chấn thương rất nhỏ, kín đáo, xảy ra trên người bị ĐTĐ có sẵn biến chứng mạch máu nhỏ, các tổn thương ở gân trở thành sẹo xơ và làm cho gân rút lại dần. Bệnh tiến triển âm thầm, lúc đầu không gây đau đớn, chỉ có cảm giác khó khăn khi co duỗi ngón tay bị bệnh cho đến khi ngón tay hoàn toàn cong gập và đau buốt. Tổn thương này cũng có thể xảy ra ở bàn chân (bệnh Ledderhose) và thể hang bộ phận sinh dục nam (bệnh La Peyronie). Việc điều trị các trường hợp này gặp nhiều khó khăn và thường cho kết quả không như ý cho dù phải phẫu thuật chỉnh hình.

3. Ngón tay lò xo

Đây là một dạng tổn thương khác cũng ở gân gấp các ngón tay, nhưng nhỏ hơn và đáp ứng khá tốt với các phương pháp điều trị và phẫu thuật. Bệnh còn gọi là ngón tay cò súng vì người bệnh không thể dễ dàng mở bung ngón tay ra một khi đã cố gắng gập vào và sẽ có cảm giác phải vượt qua nút chặn như khi bóp cò súng khi muốn duỗi ngón tay ra sau đó.

ngon-tay-lo-xo

 Biểu hiện của bệnh ngón tay lò xo do bệnh tiểu đường

4. Bệnh De Quervain (viêm gân dang ngón cái)

Người bệnh tiểu đường cũng gặp tình trạng bị sưng đỏ ở cổ tay và rất đau khi làm những công việc thông thường như vắt quần áo, vặn tay ga xe máy, hay cầm vật nặng.

5. Bệnh loãng xương

Theo nghiên cứu, mật độ xương (yếu tố quyết định độ cứng chắc của xương) của BN ĐTĐ thường thấp hơn nhóm người bình thường từ 20 – 30% mặc dù tần suất gãy xương giữa hai nhóm không có nhiều khác biệt. Nhưng do bệnh tồn tại cùng với tuổi tác, vì vậy yếu tố suy giảm của mật độ xương theo thời gian, cùng với sự mất quân bình thường xuyên về dinh dưỡng, kém vận động do bệnh tật, là những yếu tố thuận lợi góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa của khung xương và gây ra bệnh loãng xương. Bản thân tình trạng loãng xương là một hệ quả tất yếu của đời sống và người bệnh có thể chịu đựng được nếu như các biến chứng như đau xương, gãy xương, lún đốt sống… không xảy ra khiến họ không thể tự túc được sinh hoạt tối thiểu như đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống. Việc nằm liệt giường do gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, lại dẫn đến nguy cơ tử vong do nhiễm trùng.

6. Nhóm bệnh biểu hiện ở khớp và tổ chức quanh khớp

Người bệnh cũng thườngbị viêm đau các khớp do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là khớp vai và bao quanh khớp vai.

Cơ địa kém đề kháng là nguyên nhân để vi trùng có thể tấn công vào khớp, sau khi người bệnh tiêm, châm cứu hoặc bị một vết trầy sước nhỏ. Một khi đã xảy ra, đây là một bệnh lý nặng và phức tạp, có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời và đầy đủ (tàn phế hoặc có thể tử vong do nhiễm trùng huyết). Việc điều trị cũng rất tốn kém vì phải dùng kháng sinh phối hợp trong một thời gian khá dài so với những bệnh cảnh nhiễm trùng khác (3 tuần đến 2 tháng tùy trường hợp).

Ngoài ra, tình trạng ứ đọng acid uric, dưới dạng tinh thể, đặc biệt tại khớp cũng sẽ gây ra viêm khớp (bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong). Đây là hậu quả của một quá trình rối loạn chuyển hóa chất đạm (protid) xảy ra đồng thời với rối loạn chuyển hóa glucid (bệnh ĐTĐ) và càng dễ dàng xảy ra trên BN ĐTĐ không kiểm soát được đường huyết. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là những đợt sưng đau khớp ngón chân cái, hoặc một vài khớp lớn khác như khớp gối, cổ chân, khuỷu, bàn tay… Nếu tinh ý, BN sẽ nhận ra bệnh thường xuất hiện sau những bữa ăn thịnh soạn, với những món ăn giàu chất đạm gốc purin chứa trong các loại thịt màu đỏ sậm như thịt bò, heo, hai, hải sản, gan, cật, và các loại bia rượu.

alt

Khớp ngón tay là một trong những vị trí dễ bị biến chứng khớp do đường huyết tăng cao

B. Nhóm bệnh khớp là biến chứng của bệnh tiểu đường

1. Bệnh khớp thật sự do ĐTĐ gây ra chỉ chiếm khoảng 5 – 15$, nhưng để lại những hậu quả đôi khi rất nặng nề. Đối tượng chủ yếu là BN bị bệnh lâu năm (trên 10 năm) và có mức đường huyết thường xuyên không ổn định. Bệnh thường gặp ở vùng bàn chân là khu vực thường bị thiếu máu nuôi dưỡng. Đây là một biến chứng nặng của bệnh ĐTĐ do tổn thương thần kinh, từ đó gây co rút gân cơ, di lệch khớp xương bàn chân, mất cảm giác và tổn thương xương khớp. Đặc điểm của bệnh khớp do ĐTĐ là BN không cảm thấy đau hợac đau rất ít nhưng tổn thương xương khớp lại rất nặng nề trên phim Xquang, chụp cắt lớp… Bàn chân ngày càng biến dạng, khiến cho người bệnh khó đi lại, dễ bị va vấp, dễ bị trầy sướt chấn thương. Vì ít cảm thấy đau đớn nên các vết thương này dễ dàng bị BN không quan tâm chăm sóc đúng mức cho đến khi trở nên một vết loét lớn, rất khó chữa lành, thậm chí có nguy cơ bị cắt bỏ một ngón, một phần hay cả một bàn chân.

2. Biến chứng mạch máu ở chi dưới cũng có thể gây ra tình trạng hoại thư khiến cho BN có nguy cơ phải chịu tàn phế vì phải phẫu thuật đoạn chi.

Bàn tay của người bị ĐTĐ typ một lâu năm cũng thường bị co rút, da lòng bàn tay trở nên dày, thô cứng và khum khiến BN không thể làm được những động tác đòi hỏi duỗi thẳng lòng bàn tay và các ngón tay.

Tình trạng teo cơ cũng rất thường xảy ra, đặc biệt ở các khối cơ lớn vùng lưng, mông, đùi.

II. Một số đặc điểm trong điều trị bệnh cơ xương khớp do tiểu đường

Một khi biến chứng, đặc biệt là bàn chân ĐTĐ đã xảy ra thì khả năng hồi phục là rất khó. Vì thế, vấn đề phòng ngừa luôn được đặt ra như một ưu tiên hàng đầu.

Vấn đề điều trị lại không chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm của người bác sĩ chuyên khoa nội tiết mà còn là vấn đề chung của nhiều chuyên khoa như: nội tiết, khớp học, chỉnh hình, vật lý trị liệu, nhà chuyên khoa đóng giày chỉnh hình, điều dưỡng, và của chính BN, gia đình, và sự quan tâm của xã hội.

Vì vậy, hiện nay, các câu lạc bộ BN đã được lập ra và nhanh chóng nhân rộng nhằm làm tăng thêm khả năng phòng ngừa những biến chứng đáng tiếc của bệnh. Ngoài ra, một chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ cấp quốc gia cũng đã và đang góp phần trong việc cải thiện tỷ lệ sống còn và bảo đảm chất lượng sống cho người bệnh ĐTĐ, vốn rất mong manh về thể chất và dễ tổn thương về tâm lý vì bệnh tật đeo đẳng.

III. Một số khuyến cáo với người bệnh cơ xương khớp do tiểu đường

- Việc ổn định đường huyết được coi là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa các biến chứng xương khớp cũng như các biến chứng ở những cơ quan khác của bệnh ĐTĐ. Điều này chỉ thực hiện được khi BN kết hợp được các biện pháp điều trị (thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt) một cách bài bản và có hiệu quả. Việc chăm sóc bàn chân cũng cần được quan tâm một cách đặc biệt và thực hiện có hệ thống như sau:

  • Luôn giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt là vùng kẽ ngón chân (dùng kem chống ẩm hay phấn talc tùy trường hợp là tùy vị trí).
  • Thường xuyên quan sát và kiểm tra bàn chân để kịp thời phát hiện những tổn thương hay bất thường dù nhỏ như: nốt chai, trầy xước, sưng, đau… không nên tự cắt nốt chai hay mụn cóc, nhất là ở nơi ẩm ướt như nhà tắm.
  • Không cắt móng chân bằng vật sắc nhọn như dao, kéo, móng cắt ngang, không cắt khóe…
  • Không đi chân đất dù ở trong nhà.
  • Mang giày dép vừa vặn, êm ái, mềm mại và phù hợp (vớ, kiểu giày, mục đích sử dụng…). Giày thể theo được khuyên dùng khi chân chưa biến dạng nhiều. Trong trường hợp chân đã biến dạng nhiều cần phải đặt riêng giày với hình dáng và chất liệu phù hợp. Không nên mang giày dép gót cao, mũi nhọn. Phải thay đổi để làm vệ sinh giày dép ít nhất 2 lần mỗi tuần.
  • Trong trường hợp BN già yếu hay có vấn đề về mắt, tay… thân nhân được huấn luyện để chăm sóc và theo dõi.
  • Tư vấn bác sĩ chuyên khoa nội tiết hay chuyên khoa khớp ngay khi phát hiện những bất thường.

Một số điều nên làm và không nên làm đối với người bệnh tiểu đường

Nên

Không nên

1. Tác dụng thường xuyên lượng đường trong máu.

2. Điều trị ngay những bệnh khác kèm theo

3. Có chế độ sinh hoạt - luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý.

4. Chăm sóc bàn chân.

5. Đến bác sĩ ngay khi:

- Sưng, đau.

- Mất cảm giác hay tê bì.

- Thay đổi màu da bất thường.

- Vết thương bàn chân.

- Giảm hoặc mất khả năng cử động một chi

1. Thói quen có hại:

- Ăn uống: không điều độ, khẩu phầm mất cân đối.

- Sinh hoạt: quá sức hoặc quá thụ động, vệ sinh kém.

- Lối sống: thuốc lá, càphê, rượu…

2. Dùng chung những dụng cụ có nguy cơ tổn thương (dụng cụ cắt móng, dao cạo…).

3. Tự ý sử dụng thuốc.

4. Chích lễ, châm cứu, cắt khóe, tự cắt chai, mụn cóc…

Để kết luận, thêm một lần nữa chúng tôi xin được lưu ý việc theo dõi thường xuyên và ổn định lượng đường trong máu luôn cần thiết trong mọi trường hợp và trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Bệnh lý xương khớp, đặc biệt trên người bệnh ĐTĐ, một khi đã xảy ra thì thường rất đa dạng, nhiều nguyên nhân, và diễn biến khá phức tạp. Vấn đề điều trị cũng vì thế khác nhau tùy theo nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, hiệu quả lại hạn chế. Do đó, việc phòng ngừa và hạn chế các biến chứng là rất quan trọng. Về phía BN, cần có sự quan tâm tự theo dõi, và khi phát hiện có bất thường, nên đến tư vấn để được thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế và bác sĩ chuyên khoa.

BS. Thái Thị Hồng Ánh - BV. Nguyễn Tri Phương

 

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận