Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết có thể bị loãng xương và các bệnh về xương khớp.

Bạn có thể đã biết về một số các yếu tố nguy cơ hàng đầu cho bệnh loãng xương như: phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh, hút thuốc lá, sử dụng nhóm thưốc corticoid kéo dài… Nhưng có thể bạn chưa biết rằng chính bệnh tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây loãng xương và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm về xương khớp.

Hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát (DISH: Diffuse Idiopathic Skeletal Hyperostosis) hay bệnh Forestier, đặc trưng bởi tình trạng loạn sản, Canxi hóa dây chằng cột sống kết hợp với hình thành các gai xương. Tuy nhiên khe đĩa đệm, khớp mỏm sau và khớp cùng - chậu đều bình thường. Đoạn cột sống ngực là vùng hay bị tổn thương nhất, ngoài ra có thể gặp vôi hóa ở các vị trí khác. Triệu chứng thường gặp là đau, hạn chế vận động, cứng vùng gáy và lưng. Điều trị bằng các thuốc NSAID, giãn cơ, giảm đau và vật lý trị liệu.

Tiểu đường làm tăng nguy cơ loãng xương

Tiểu đường làm tăng nguy cơ loãng xương

Rối loạn chuyển hóa xương mà đặc trưng nhất là tình trạng loãng xương, đây là một loại bệnh âm thầm, lặng lẽ, không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm. Là một loại bệnh toàn thân mà đặc điểm chính là sự giảm sút mật độ xương, kết cấu các tổ chức xương bị phá vỡ dẫn đến giòn xương, dễ gãy. Loãng xương không chỉ đem lại nỗi đau khổ cho bệnh nhân, mà còn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Đặc biệt ở bệnh nhân ĐTĐ thì càng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý, làm cho bệnh nặng lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động và có thể dẫn đến tàn tật suốt đời.

Tiểu đường làm giảm mật độ xương gây loãng xương

Những bệnh nhân ĐTĐ typ 1 cũng như typ 2 nếu không được điều trị tốt, đường huyết tăng cao, lượng đường bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhiều kéo theo lượng canxi, phospho cũng bị đào thải ra nhiều. Những khoáng chất này là thành phần chủ yếu của muối xương, nếu bị mất đi một số lượng lớn sẽ dẫn đến giảm sút mật độ xương gây ra loãng xương. Qua quan sát trên lâm sàng phát hiện thấy đường huyết lúc đói và hàm lượng đường trong nước tiểu càng tăng cao thì mật độ xương càng thấp, loãng xương càng dễ hình thành. Nếu đường huyết giảm xuống gần với trị số bình thường thì canxi niệu cũng giảm xuống mức bình thường.

Sự chuyển hóa cơ bản của xương chủ yếu dựa vào việc hình thành và tiêu hủy xương. Sự hình thành của xương chủ yếu là chức năng của tế bào xương trưởng thành, quá trình tiêu hủy xương dựa vào chức năng của hủy cốt bào. ĐTĐ chủ yếu ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của xương là do sự suy giảm chức năng của tế bào cốt trưởng thành làm cho sự hình thành xương hoặc bị giảm sút, hoặc bị chậm lại nhưng quá trình tiêu hủy của xương hoặc vẫn bình thường, hoặc tăng hoặc giảm. Ngoài ra, hiện nay còn phát hiện ra rằng trên tế bào cốt trưởng thành có các thụ thể của insulin có thể làm tăng chức năng và tăng sinh tế bào cốt trưởng thành. Vì vậy nếu thiếu insulin sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của xương. Chính vì những nguyên nhân này mà bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng bệnh lý về xương, mật độ xương giảm sút hoặc loãng xương.

Chẩn đoán loãng xương do tiểu đường

Dùng phương pháp đo đậm độ xương kép (DEXA) đo mật độ xương vùng thắt lưng, đoạn trên xương đùi trên bệnh nhân ĐTĐ cho thấy sự thay đổi mật độ xương giữa bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và týp 2 hoàn toàn khác biệt. Mật độ xương bị giảm sút thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 là do bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thường mắc ở lứa tuổi trẻ, trước 20 tuổi, chính lúc này là giai đoạn xương đang phát triển mạnh, người bệnh thường gầy nhiều và sự thiếu hụt insulin đều có liên quan đến sự phát triển của xương. Nhiều báo cáo đã chứng minh có sự liên quan giữa sự mất đi của hàm lượng xương ở bệnh nhân ĐTĐ và giới tính; quá trình phát triển bệnh và các yếu tố ảnh hưởng đến mật độ xương, bệnh nhân nữ, người mắc bệnh lâu năm thì lượng xương mất đi càng nhiều.

Tiểu đường thúc đẩy quá trình hủy xương, gây biến chứng gãy xương

Một số nghiên cứu chứng minh rằng nguy cơ gãy xương bàn chân và xương ngón chân trên bệnh nhân ĐTĐ so với người bình thường tăng gấp 3 lần, điều này có thể có liên quan với bệnh lý thần kinh, bệnh lý mạch máu do ĐTĐ. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân ĐTĐ có thị lực giảm, hay yếu nửa người thì càng dễ ngã và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến gãy xương.

Gãy đoạn trên xương đùi rất thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ lớn tuổi do bệnh nhân đồng thời có kèm theo loãng xương trầm trọng. Thông thường cho rằng bệnh nhân ĐTĐ thường kèm theo sự rối loạn về chuyển hóa và nội tiết, đồng thời kèm theo bệnh lý về mạch máu, trong đó bao gồm vi mao mạch xương dẫn đến giảm dinh dưỡng xương, giảm hình thành xương, tăng tiêu hủy xương tiến tới thúc đẩy quá trình loãng xương. Vì vậy ở những nơi máu được cung cấp quá ít như đoạn trên xương đùi dễ bị loãng xương nghiêm trọng hoặc thậm chí dễ gãy xương.

Phòng bệnh: Người bệnh ĐTĐ vẫn có thể dùng các loại sữa giàu canxi, hàm lượng đường thấp để phòng ngừa loãng xương, tăng cường dùng các loại thực phẩm giàu canxi hằng ngày. Và đặc biệt, tất cả các bệnh nhân ĐTĐ cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, nhất là những bệnh nhân phụ thuộc insulin phải tiêm hằng ngày.

Hà Mi

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận