Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện, những bệnh nhân đã từng mắc chấn thương vùng đầu, tổn thương não bộ có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson – căn bệnh thoái hóa thần kinh, khiến người bệnh bị run rẩy tay chân không kiểm soát.

Kết quả của nghiên cứu thật bất ngờ khi những tai nạn chấn thương sọ não vốn được cho là nguyên nhân gây ra những căn bệnh về mất trí nhớ, đặc biệt là Alzheimer, lại có mối quan hệ mật thiết với bệnh Parkinson.

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa chấn thương vùng đầu với bệnh Parkinson

Sử dụng dữ liệu từ 3 nghiên cứu có quy mô lớn, các nhà nghiên cứu phát hiện, nhóm bệnh nhân từng bị tai nạn vùng đầu có tỷ lệ mắc bệnh Parkinson cao hơn hẳn so với những người khỏe mạnh bình thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những tai nạn gây chấn thương vùng đầu trong nghiên cứu là những chấn thương nặng. Bệnh nhân bị bất tỉnh và phải nhập viện cấp cứu. Điều này có thể khiến một nhóm tế bào thần kinh sản xuất ra Dopamin trong não bộ bị chết dần và gây ra bệnh Parkinson, dẫn đến việc tự chủ các cơ bắp trong cơ thể gặp nhiều khó khăn.

Nhóm bệnh nhân này sẽ còn có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn nữa nếu tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ dùng trong nông – lâm nghiệp. Đặc biệt, nếu có tiếp xúc với paraquat – một chất hóa học có trong thuốc trừ cỏ, người bệnh có nguy cơ mắc Parkinson cao hơn gấp 3 lần.

Những người từng bị chấn thương sọ não sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson sau này
Những người từng bị chấn thương sọ não sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson sau này

Bệnh Parkinson là gì?

Parkinson là một rối loạn thần kinh mạn tính, thường gặp ở bệnh nhân trên độ tuổi 50, ở nam giới nhiều hơn là nữ giới. Cứ 100 người trên 65 tuổi thì có 2 người mắc căn bệnh này, với bốn triệu chứng chính bao gồm:

- Run rẩy tay, chân, cằm và cánh tay

- Tay, chân và đôi khi là toàn thân bị cứng, khó khăn trong vận động

- Bước đi chậm chạp

- Dáng đi bị lệch, khó giữ thăng bằng khi đứng

Ngoài ra, bệnh nhân còn có nguy cơ suy giảm nhận thức, thậm chí là mất trí nhớ sau này. Tính tình người bệnh thay đổi và có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm, ngại giao tiếp xã hội.

Điều bệnh nhân Parkinson nên làm

Không có thuốc điều trị dứt điểm bệnh Parkinson, các tổn thương não không thể phục hồi lại nhưng người bệnh hoàn toàn có thể làm chậm lại sự phát triển của các triệu chứng bằng cách:

- Tập thể dục thường xuyên giúp tay, chân người bệnh dẻo dai hơn, cải thiện khả năng giữ thăng bằng.

- Giảm căng thẳng: Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng khiến mọi triệu chứng của bệnh Parkinson trở nặng nhanh chóng.

Thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội cũng có thể giúp người bệnh Parkinson chung sống dễ dàng hơn với căn bệnh này.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn tham khảo: https://www.parkinsons.org.uk/news/12-july-2016/understanding-link-between-head-injury-and-parkinsons-risk

Bình luận