Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số gen biến dị có thể gây ung thư túi mật bằng cách so sánh gen của những người mắc ung thư túi mật với hơn 700.000 tình nguyện viên khỏe mạnh. Công trình nghiên cứu này là sự hợp tác giữa Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Viện Ung thư quốc gia và Trung tâm Ung thư Tata Memorial Ấn Độ. Phát hiện này được công bố ngày 05 tháng 03 tại Diễn đàn Ung thư học (The Lancet Oncology) và được kỳ vọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ung thư túi mật.

Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan, có chức năng dự trữ dịch mật, dịch tiêu hóa do gan tiết ra. Nếu ung thư túi mật được phát hiện sớm, cơ hội sống sót của người bệnh cao hơn, tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư túi mật phát hiện khá muộn vì nó thường không có triệu chứng lâm sàng cụ thể nên rất khó để chẩn đoán.

Trong đa số các loại ung thư được chẩn đoán, ung thư túi mật là loại ung thư hiếm gặp trên thế giới, nhưng ở một số nhóm người như người Mỹ bản địa ở Bắc Mỹ hay người sinh sống ở các khu vực địa lý nhất định như Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn. Trong số 178.000 trường hợp ung thư túi mật được chẩn đoán mới mỗi năm trên thế giới tập trung chủ yếu ở các khu vực này.

Để tìm kiếm những gen nào đóng vai trò quan trọng gây ung thư túi mật, từ tháng 09/2010 – 06/2015 các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 1.042 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Trung tâm ở Mumbai so sánh với mẫu máu từ 1.709 người tình nguyện khỏe mạnh không mắc ung thư đã khám bệnh tại Bệnh viện này. Thông qua việc phân tích hệ thống các nucleotide đơn (SNPs) trong gen và một loạt các phân tích thống kê sinh học khác, các nhà khoa học đã phát hiện ra một liên hệ mật thiết giữa các biến thể DNA gần 2 gen là ABCB4 và ABCB1 có liên quan đến việc vận chuyển lipid ở gan vào túi mật và có thể gây ung thư túi mật ngay cả khi không có sỏi trong túi mật. Một nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng gen biến dị ABCB4 có liên quan đến sự hình thành sỏi mật - một yếu tố nguy cơ của ung thư túi mật.

Dot-bien-o-vung-gen-ABCB4-va-ABCB1-trong-DNA-co-the-gay-ung-thu-tui-mat

Đột biến ở vùng gen ABCB4 và ABCB1 trong DNA có thể gây ung thư túi mật

Giáo sư Nilanjan Chatterjee – Trung tâm Ung thư Kimmel Johns Hopkins cho biết: “Ung thư túi mật cũng giống như nhiều loại ung thư và các bệnh lý phức tạp khác có nhiều chỉ điểm di truyền (generic marker), mỗi loại có thể chỉ là tác nhân nhỏ trong nguyên nhân gây bệnh, nhưng kết hợp giữa chúng có thể giúp chúng ta tìm ra sự khác biệt đáng kể về yếu tố nguy cơ.”

Các nhà nghiên cứu ước tính 25% nguy cơ ung thư túi mật có thể được giải thích bằng các biến thể di truyền phổ biến. Phát hiện này giúp cung cấp cho chúng ta một đầu mối quan trọng trong nguyên nhân của bệnh ung thư túi mật. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tìm hiểu sâu hơn về vùng gen ABCB4/ABCB1 bằng cách phân tích toàn diện các yếu tố di truyền trên nhóm người đã tham gia nghiên cứu và trên nhóm tình nguyện mở rộng hơn.

Bằng cách hiểu rõ hơn về chức năng của các biến thể rủi ro di truyền, điều tra nguyên nhân môi trường và lối sống, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng có thể phát triển các phương pháp điều trị mới hoặc can thiệp để ngăn ngừa ung thư túi mật xảy ra ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo:

https://www.news-medical.net/news/20170306/Researchers-identify-gene-variants-that-may-predispose-individuals-to-develop-gallbladder-cancer.aspx

 

Bình luận