Tháng 9 năm 2017 vừa qua, các nhà khoa học Cambridge đã phát triển một phương pháp mới là cấy ghép các ống mật nhân tạo để điều trị bệnh gan, công nghệ mới này được kỳ vọng sẽ giúp điều trị hiệu quả các bệnh về đường mật gây tổn thương gan ở trẻ em, làm giảm sự cần thiết của phẫu thuật cấy ghép gan.

Các ống mật (đường dẫn mật) là những cấu trúc dạng ống gồm đường dẫn mật trong gan và ngoài gan. Dịch mật do gan tiết ra sẽ theo ống mật đi vào ruột non để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Khi đường dẫn mật bị tắc (có thể do sỏi mật hoặc do bẩm sinh) dịch mật bị ứ lại, không lưu thông được sẽ quay lại đầu độc chính lá gan, làm tổn thương gan.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới là cấy ghép ống mật nhân tạo bằng cách kết hợp giữa công nghệ cấy ghép tế bào và kỹ thuật mô. Phương pháp mới này cung cấp hy vọng trong việc điều trị các bệnh đường mật phức tạp mà lựa chọn duy nhất hiện nay là ghép gan.

 Cấy ghép ống mật nhân tạo giúp điều trị bệnh gan mật

Cấy ghép ống mật nhân tạo giúp điều trị bệnh gan mật

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành chiết xuất tế bào lành tính (cholangiocytes) từ ống mật, sau đó kích thích sự phát triển của các tế bào này trên nền một bộ khung với bản chất là những collagen có khả năng tự phân hủy. Sau 4 tuần, các tế bào phát triển bao phủ toàn bộ khung collagen tạo nên một ống mật nhân tạo với cấu trúc 3D phức tạp và có chức năng như một ống mật bình thường. Sau đó, những ống mật nhân tạo này được sử dụng để thay thế các ống mật bị tổn thương ở chuột. Với những con chuột đã được cấy ghép thành công thì con vật sống sót bình thường mà không xuất hiện biến chứng gì.

Giáo sư Vallier – một thành viên của nhóm nghiên cứu giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi có khả năng làm biến đổi việc điều trị rối loạn đường mật. Trong thời gian trước, khi gan đã tổn thương nặng, để điều trị bệnh này lựa chọn duy nhất của chúng tôi là ghép gan, vì vậy chúng tôi bị hạn chế bởi sự cần thiết phải có sẵn những cơ quan khỏe mạnh mới có thể tiến hành cấy ghép. Phương pháp điều trị mới mẻ này giúp chúng tôi không còn quá phụ thuộc vào việc ghép tạng.”

Tiến sĩ Sampaziotis – một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết thêm: "Những ống dẫn mật nhân tạo sẽ không chỉ hữu ích cho việc cấy ghép, mà còn có thể được sử dụng để mô phỏng các bệnh lý khác về đường mật nhằm thử nghiệm và phát triển những phương pháp mới trong điều trị.”

                                                                                              Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/07/170703121035.htm

 

Bình luận