Tiến sĩ Marcie Feinman, giám đốc bộ phận chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật tại Bệnh viện Sinai – Mỹ, cho biết: “sỏi mật sẽ không làm tổn thương thai nhi hay gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai nhưng trong một số trường hợp sỏi mật có thể gây đau đớn và khó chịu cho mẹ. Và đôi khi túi mật phải được loại bỏ”. Sự thay đổi hormon trong thai kỳ được xem là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật ở phụ nữ mang thai.

Sỏi mật là gì và tại sao phụ nữ mang thai lại có nguy cơ mắc bệnh cao?

Túi mật lưu trữ mật - chất lỏng tạo ra bởi gan để giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. Sỏi mật hình thành khi có sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật: nếu mật có chứa quá nhiều cholesterol, các tinh thể cholesterol sẽ hình thành và theo thời gian kết tụ lại tạo thành sỏi. Ở Hoa Kỳ, sỏi mật cholesterol là phổ biến nhất. Các yếu tố nguy cơ của sỏi mật bao gồm người bệnh gan, béo phì và giới tính là nữ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị sỏi mật do thay đổi hormon, đặc biệt là tăng mức estrogen, do đó tăng sự thải trừ chất này qua đường mật, làm tăng lượng cholesterol trong dịch mật, sau đó kết tụ với nhau để tạo sỏi. Thêm nữa, chế độ ăn giàu tinh bột, chất béo ở phụ nữ trong quá trình mang thai, sự tăng cân nhanh chóng, giảm vận động của túi mật cũng là những yếu tố tiền đề để sỏi mật phát triển nhanh hơn bình thường ở đối tượng này.

Một số triệu chứng của sỏi mật ở phụ nữ mang thai

Phần lớn phụ nữ bị sỏi mật không có triệu chứng và chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng nhưng đầy tức hoặc đau hạ sườn phải sau ăn và đau thường không gây nguy cơ cho mẹ hoặc con. Những cơn đau có thể kèm theo buồn nôn và nôn mửa, trong trường hợp đó người mẹ sẽ chán ăn và khả năng hấp thu dinh dưỡng sẽ kém đi. Đôi khi sỏi mật cũng có thể gây viêm túi mật, ứ tắc dịch mật,… khiến người mẹ phải cắt bỏ túi mật để tránh biến chứng nguy hiểm.

 Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc sỏi mật

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc sỏi mật

Làm thế nào để điều trị sỏi mật ở phụ nữ mang thai? Có cần phải cắt túi mật không?

Nếu sỏi mật không triệu chứng thì không cần phải điều trị. Nếu chúng gây đau và buồn nôn, các bác sĩ có thể xem xét chỉ định dùng thuốc để cải thiện triệu chứng. Nếu cơn đau nặng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng do sỏi mật thì mẹ sẽ được dùng kháng sinh và cuối cùng là cắt túi mật trong trường hợp bắt buộc. Còn với sỏi đường mật gây tắc nghẽn ống mật, ứ mật thì các bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi.

Trong trường hợp cần thiết phải phẫu thuật có một số lựa chọn điều trị dựa vào thời gian mang thai. Phẫu thuật nội soi có thể được áp dụng trong giai đoạn 6 tháng đầu của thai kỳ. Phẫu thuật nội soi được áp dụng nhiều do ít xâm lấn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương và thời gian hồi phục nhanh hơn. Trong giai đoạn 3 tháng cuối, nếu không đủ không gian để thực hiện thao tác bằng nội soi, thì cần phẫu thuật mổ hở.

Mặc dù phương pháp điều trị nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng sỏi mật không ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé hoặc ảnh hưởng đến quá trình sinh nở. Sỏi mật cũng phổ biến ở những phụ nữ sau sinh, nguyên nhân chính là do sự thay đổi nồng độ hormon và việc giảm cân nhanh làm tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, tăng nguy cơ kết tụ tạo sỏi.

Phòng tránh sỏi mật ở phụ nữ mang thai

Mặc dù phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi mật nhưng không có nghĩa rằng  tất cả phụ nữ mang thai đều bị sỏi mật. Nếu muốn tránh nguy cơ này, bạn hãy lưu ý những điều sau đây khi mang thai:

- Xây dựng chế độ ăn uống cân đối, không ăn quá nhiều tinh bột hoặc đồ chiên xào, nên ăn bổ sung cả chất xơ hòa tan như rau đay, rau lang, đậu bắp, khoai lang.

- Đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng, tránh ngồi nhiều một chỗ giúp tăng sức khỏe cho cả mẹ và con.

- Các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, giàu vitamin C rất tốt cho sức khỏe túi mật.

- Có thể sử dụng một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh.

- Đối với sữa, nên chọn các loại sữa tách bơ, sữa có hàm lượng chất béo thấp.

- Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì trong quá trình mang thai cũng cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc sỏi mật nhưng mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng. Bởi nếu có chế độ ăn uống phù hợp, cùng với tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt hợp lý sẽ giảm đáng kể sự ảnh hưởng của sỏi mật lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mẹ.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: http://www.baltimoresun.com/health/bs-hs-pregnancy-gallstones-20170808-story.html

Bình luận