Đẩy lùi Đái tháo đường - Căn bệnh cứ 6s lại có một người tử vong
Không chỉ là HIV hay ung thư, ĐTĐ đã thực sự trở thành mối nguy hại thách thức hệ thống Y tế của toàn nhân loại. Theo số liệu từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, năm 2017 cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc ĐTĐ. Trong đó 50% trong số họ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, 50% trong số người được chẩn đoán đã xuất hiện biến chứng. Mỗi 6s trôi qua trên thế giới lại có một trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Toàn dân chung tay tích cực đẩy lùi đái tháo đường
Gánh nặng mang tên “Đái tháo đường”
Tại Việt Nam tỷ lệ người mắc ĐTĐ gia tăng một cách nhanh chóng. Điều đáng nói là việc chăm sóc sức khỏe của người dân chưa được nâng cao, dẫn tới khi phát hiện, bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mạch máu nhỏ (thận, chi, mắt…); tăng nguy cơ đột quỵ, suy thận, tử vong và tàn phế.
"Nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị tích cực với biến chứng này. Nhiều bệnh nhân trong vòng 10 – 20 năm không biết mình bị đái tháo đường, được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, đường huyết rất cao", GS Lương cho biết.
Cũng trong năm 2017, tại Việt Nam có 29.000 trường hợp tử vong do các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Tỷ lệ trung bình là 80 trường hợp tử vong/ngày, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư.
Không chỉ để lại hệ quả xấu cho sức khỏe, tính mạng người bệnh, chi phí chi trả cho việc điều trị ĐTĐ cũng không hề rẻ. Bởi người bệnh cần sử dụng thuốc suốt đời và chi trả cho việc điều trị các biến chứng hoặc bệnh mắc kèm.
Theo GS Lương, để đẩy lùi ĐTĐ thì đó không chỉ là trách nhiệm liên quan đến bác sĩ, hệ thống y tá, mà còn cần vào sự chung tay đồng lòng của người bệnh, cộng đồng để nâng cao quá trình phát hiện, theo dõi và điều trị bệnh hiệu quả.
Nguy cơ trẻ hóa do bệnh đái tháo đường
Sự đe dọa của đái tháo đường còn thể hiện việc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Trước kia, nếu tỷ lệ người trưởng thành trên 40 tuổi chiếm đa số thì con số này đang dần dịch chuyển ở người trẻ dưới 40. Thậm chí trẻ em ngày này cũng đã có nhiều trường hợp đã và đang phải điều trị ĐTĐ tuýp 2.
Hệ quả này xuất phát từ chính sự xã hội hóa quá nhanh, trẻ em tiêu thụ quá nhiều thực phẩm thừa năng lượng, ít vận động thể lực, môi trường sống ô nhiễm và áp lực từ cuộc sống hiện đại.
Tỷ lệ người trẻ mắc đái tháo đường ngày càng tăng
Đẩy lùi đái tháo đường bằng cách tầm soát sớm
Khác với ĐTĐ type 1, triệu chứng ĐTĐ type 2 thường diễn tiến âm thầm trong nhiều năm bởi các dấu hiệu thầm lặng. Vì lẽ đó mà cách duy nhất để phát hiện sớm bệnh là đi thử đường máu định kỳ mỗi 3 tháng/lần. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh như có người thân mắc ĐTĐ, người dư cân, béo phì, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, từng sinh con trên 4kg hoặc từng có tiền sử tiểu đường thai kỳ…
Bên cạnh đó, BS Lương cũng khuyến cáo người dân duy trì chế độ ăn lành mạnh, vận động thể dục thể thao, hạn chế các đồ ngọt, nước uống có ga, thức ăn nhanh... để giúp phòng ngừa và quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Bình luận