Phẫu thuật - hy vọng mới cho người bệnh Parkinson
Parkinson (hay còn gọi là liệt rung) là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển nặng dần theo thời gian. Bệnh gây thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamin, dẫn đến các biểu hiện: run, cứng cơ và chậm chạp vận động. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được kiểm soát bằng nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng chưa loại thuốc nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Khi nào người bệnh Parkinson cần điều trị bằng phẫu thuật?
Việc sử dụng thuốc điều trị Parkinson sau khoảng 5 - 7 năm sẽ xảy ra tình trạng nhờn thuốc. Khi đó, các bác sĩ buộc phải tăng liều thuốc để điều trị. Tuy nhiên, việc tăng liều thuốc có thể làm tăng các tác dụng phụ như: khô miệng, khó nuốt, táo bón, hạ huyết áp tư thế, ảo giác, trầm cảm hoặc hoang tưởng….
Khi sử dụng thuốc nhưng không còn hiệu quả hoặc hiệu quả kém, bác sĩ có thể tư vấn phương pháp điều trị bằng phẫu thuật nhằm kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Có những phương pháp phẫu thuật nào?
Có 3 phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh Parkinson là: mở đồi thị, mổ cầu nhạt và kích não sâu.
Mở đồi thị não
Mở đồi thị não chỉ hiệu quả đối với triệu chứng run không đáp ứng với thuốc. Kết quả cho thấy 70 – 80% bệnh nhân được phẫu thuật mở đồi thị đã giảm run một cách rõ rệt.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả trong việc giảm run chứ không tác động đến các triệu chứng khác của bệnh. Ngày nay, phương pháp mở đồi thị ít được sử dụng do có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phẫu thuật mổ cầu nhạt
Mổ cầu nhạt giúp điều chỉnh các rối loạn vận động (run, cứng cơ, chậm vận động) và cho phép bệnh nhân có thể tiếp tục sử dụng thuốc levodopa để kiểm soát các triệu chứng của bệnh Parkinson. Mặc dù vậy, chỉ khoảng 5 – 10% số người bệnh Parkinson phù hợp để làm phẫu thuật này và hiệu quả không kéo dài nhiều sau phẫu thuật.
Phẫu thuật kích não sâu
Chính những hạn chế về tính an toàn và hiệu quả của 2 phương pháp trên, nên hiện nay bác sĩ khuyến cáo phẫu thuật điều trị bệnh Parkinson giai đoạn cuối bằng phương pháp kích não sâu.
Kích não sâu không tác động trực tiếp lên các tế bào sản xuất dopamine và không ảnh hưởng đến nồng độ dopamine trong não. Thay vào đó, phương pháp này tác động đến sự phóng điện quá mức xảy ra trong não người bệnh Parkinson, do đó làm giảm các rối loạn vận động do các xung điện bất thường này gây ra.
Sau phẫu thuật, phần lớn người bệnh Parkinson giảm khoảng 70 - 80% các triệu chứng run, cứng cơ, phục hồi những rối loạn tư thế và khả năng vận động, đồng thời giảm 50 - 60% liều thuốc điều trị cần dùng, qua đó giúp giảm đáng kể tác dụng phụ mà thuốc gây ra.Phẫu thuật kích thích não sâu ngày càng được ưa chuộng mặc dù chi phí điều trị rất đắt đỏ
Những hạn chế liên quan đến phẫu thuật kích não sâu?
Có thể nói phẫu thuật kích não sâu là một phương pháp an toàn, các tai biến sau phẫu thuật có thể xảy ra nhưng không đáng kể. Theo thống kê, có từ 1 đến 3% bệnh nhân gặp phải các vấn đề về ngôn ngữ, suy giảm nhận thức hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật. Tai biến xuất huyết não cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm.
Thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp phải sự mất phương hướng nhẹ, buồn ngủ hoặc thay đổi tính cách kéo dài đến 1-2 tuần.
Mặc dù phẫu thuật kích não sâu là phương pháp khá hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng mà bệnh Parkinson gây ra, nhưng phương pháp này đòi hỏi chi phí khá tốn kém (khoảng 800 triệu đồng) nên không phải mọi bệnh nhân đều có khả năng chi trả. Hơn nữa, đây là một kỹ thuật rất phức tạp đòi hỏi đòi hỏi sự hợp tác của nhiều phòng ban cũng như những tiêu chí lựa chọn bệnh nhân một cách cẩn thận: bệnh nhân đã thất bại với liệu pháp điều trị bằng thuốc, không mắc các bệnh tim mạch, nhiễm trùng, đái tháo đường và độ tuổi không quá 75.
Có thể phẫu thuật kích não sâu ở đâu?
Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật kích não sâu đầu tiên vào năm 2013. Cho đến nay, nhiều bệnh viện trong cả nước đã thực hiện được kỹ thuật này, nhiều bệnh nhân Parkinson giai đoạn nặng đã lấy lại được khả năng hoạt động và tìm lại được cuộc sống. Vì vậy bạn có thể tham khảo một số địa chỉ phẫu thuật sau:
Miền Nam:
- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thưc hiện thành công phẫu thuật kích não sâu cho bệnh nhân Parkinson
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Miền Bắc:
- Bệnh viện Việt Đức: Đây là bệnh viện đầu tiên tại miền Bắc triển khai kỹ thuật này.
- Bệnh viện E
Như vậy, phẫu thuật đóng một vai trò rất lớn đối với người bệnh Parkinson, đặc biệt là các bệnh nhân giai đoạn cuối. Tuy nhiên, một điều cần nhấn mạnh là dù dùng thuốc hay phẫu thuật thì căn bệnh parkinson vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, người bệnh cần nâng cao ý thức tự giác, sự quyết tâm nỗ lực của bản thân mình trong cuộc chạy đua với căn bệnh này bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống, luyện tập khoa học, đồng thời sử dụng các liệu pháp từ đông y để hỗ trợ điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Nguyễn An
Nguồn:
https://parkinsonsnewstoday.com/parkinsons-disease-treatments/surgical-treatments/
http://pdcenter.neurology.ucsf.edu/professionals-guide/surgical-treatment
Bình luận