Cắt túi mật làm giảm 36% nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân sỏi mật
Cắt túi mật làm giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân bị sỏi mật
Theo ước tính có khoảng 10 - 20% dân số Việt Nam mắc bệnh sỏi mật. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ để hình thành sỏi mật như tình trạng béo phì, giảm cân quá nhanh, tuổi tác chế độ ăn uống không lành mạnh hay lười vận động thể chất... Sỏi mật cũng được biết tới là có liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, điển hình là tiểu đường và tăng huyết áp.
Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, sỏi mật có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ. Thế nhưng, ở bệnh nhân sỏi mật, cắt túi mật và không cắt túi mật có làm ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ? Để trả lời câu hỏi này, Cheng - Yu Wei, khoa Thần kinh, bệnh viện Chang Bin, Changhua, Đài Loan và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp hồi cứu trên cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế quốc gia của Đài Loan.
Thông tin về 310.712 bệnh nhân sỏi mật được thu thập từ năm 2000 đến 2012 và phân chia thành 2 nhóm: bệnh nhân cắt túi mật và bệnh nhân không cắt túi mật. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
-
Ở 19.096 bệnh nhân không cắt túi mật, tỷ lệ bị đột quỵ là 17,8/1000 bệnh nhân. Trong khi 11.913 bệnh nhân cắt túi mật, tỷ lệ này chỉ là 10,6/1000 bệnh nhân, giảm 36% so với những bệnh nhân chưa can thiệp.
-
Dù ở bệnh nhân sỏi mật có triệu chứng hay không có triệu chứng thì nguy cơ đột quỵ tổng thể cũng thấp hơn ở nhóm được phẫu thuật cắt túi mật.
Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học kết luận rằng: “Ở bệnh nhân sỏi mật, các biện pháp phòng ngừa đột quỵ cần được xem xét. Đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ, có thể cân nhắc phẫu thuật cắt túi mật để giảm rủi ro này.”
Biên tập viên Đông Tây
Nguồn tham khảo:
https://www.drugs.com/news/cholecystectomy-reduces-risk-stroke-patients-gallstones-82963.html
Bình luận