Phụ nữ mang thai là một đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh sỏi mật. Ngoài các vấn đề về sản khoa, thì sỏi mật là một trong những bệnh lý thường gặp nhất của phụ nữ mang thai và sau khi sinh.

Lượng carbohydrate cao đã được chứng minh là gây ra sự đề kháng insulin và rối loạn lipid máu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển sỏi mật. Các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate bao gồm gạo, bánh mì, bột mì, đậu, khoai tây, ngũ cốc, các loại thức ăn nhanh, quà vặt… 

 

Nhóm các nhà khoa học tại trường đại học Washington đã có nghiên cứu nhằm làm rõ mối liên quan giữa hàm lượng carbohydrate trong chế độ ăn với sự hình thành sỏi bùn và sỏi mật trong khi mang thai.

Nghiên cứu đã được tiến hành trên 3070 phụ nữ mang thai, có độ tuổi trung bình khoảng 25 tuổi. Các thai phụ sẽ được siêu âm túi mật trong mỗi ba tháng của thai kỳ và 4-6 tuần sau khi sinh để so sánh. Loại trừ các đối tượng có sỏi mật tái phát được phát hiện trong lần siêu âm đầu tiên hoặc đã cắt bỏ túi mật.

Lượng carbohydrate (tinh bột, đường, galactose, fructose, lactose, maltose) tiêu thụ hàng ngày của đối tượng nghiên cứu được tính toán dựa trên các dữ liệu về thành phần thực phẩm tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy, những phụ nữ tiêu thụ trên 25% tổng lượng carbohydrate trong chế độ ăn có nguy cơ mắc bệnh túi mật cao hơn đáng kể (khoảng 10%) so với những người tiêu thụ dưới 25%.

Tiêu thụ lượng lớn carbohydrate cùng với sự giảm vận động của túi mật và thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai ở phụ nữ đã tạo điều kiện cho việc hình thành bùn mật và sỏi mật. Các nhà khoa học khuyến cáo, nên thay đổi chế độ ăn uống, giảm lượng tinh bột và đường khi mang thai để làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.

 

BTV Lan Anh

Bình luận