Một số người bệnh tim mạch có thể gặp phải các triệu chứng đau tức ngực hoặc choáng ngất và phải nhập viện trong trạng thái hôn mê, tim ngừng đập. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì họ khó có thể sống sót hoặc có thể để lại di chứng nặng nề. Nhưng với kỹ thuật “hạ thân nhiệt trung tâm” được ứng dụng thành công tại khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người bệnh đã được cứu sống.

Ky-thuat-“ha-than-nhiet-trung-tam”-cuu-song-benh-nhan-ngung-tim
Kỹ thuật “hạ thân nhiệt trung tâm” cứu sống bệnh nhân ngừng tim  

Những trường hợp bị ngừng tim sẽ được đặt một ống thông luồn vào tĩnh mạch trung tâm. Máy điều chỉnh để hạ nhiệt độ người bệnh xuống mức 33o C và duy trì trong 24 giờ hoặc lâu hơn tùy vào nguyên nhân ngừng tim. Sau khi kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt, các bác sỹ sẽ điều chỉnh nhiệt độ tăng dần từ 0,2 - 0,5 độ mỗi giờ, cho tới khi thân nhiệt trở về bình thường.

Mục đích chính của kỹ thuật “hạ thân nhiệt trung tâm” là làm lạnh cơ thể người bệnh để giảm mức tiêu thụ oxy trong cơ thể, ngăn ngừa quá trình peroxyd hóa lipid  trong tế bào não, từ đó giảm tổn thương não.

Kỹ thuật này đặc biệt có hiệu quả với người sốc phản vệ, nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, hôn mê, huyết áp không ổn định chỉ còn 70/50, phải đặt ống nội quản thở máy. Trong vòng 6 tiếng sau khi ngừng tim là thời gian “vàng” để điều trị hiệu quả.

Với kỹ thuật hạ thân nhiệt, tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân giảm xuống 14%, và giảm nguy cơ tàn phế xuống 11%. Hiện nay tại bệnh viện Bạch Mai có 10 ca điều trị ban đầu và 4 ca có kết quả điều trị hiệu quả. Đây được coi là một ứng dụng mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân tim mạch.

Ds. Đông Tây
Nguồn tổng hợp

Bình luận