Phòng nguy cơ đột tử cho người rối loạn nhịp tim
Nguy cơ đột tử khi bị rối loạn nhịp tim – rất nhiều người không biết
Trong một gia đình gồm 10 anh chị em (8 nam, 2 nữ) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có bốn anh em trai lần lượt bị đột tử trong độ tuổi từ 20-30. Sau sự ra đi của người em trai út khi đang chơi với cháu, những người còn lại trong gia đình hết sức lo lắng và quyết định đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, họ được các xét nghiệm cần thiết, trong đó có điện tâm đồ (ECG) và kết luận: Cả bốn anh em đều bị hội chứng Brugada (một dạng rối loạn nhịp tim nhanh có nguy cơ cao gây đột tử), đây là bệnh lý xảy ra do đột biến gen, thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Sau đó, họ được đặt máy phá rung tự động và theo dõi sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất.
Hình ảnh cấu tạo máy phá rung tự động
Một trường hợp khác là anh T ở TP.HCM được kết luận bị rối loạn nhịp tim sau khi làm điện tim. Lo sợ vì tiền sử gia đình từng có người bị đột tử nên anh tìm đến Bệnh viện Thống Nhất làm khảo sát trong buồng tim và được chẩn đoán bị hội chứng Brugada. Anh cũng được tư vấn nên đặt máy phá rung tự động. Theo bác sỹ điều trị, việc đặt máy phá rung tự động này để phòng ngừa nguy cơ đột tử khi anh bị rối loạn nhịp tim.
Ts.Bs Khanh, trưởng khoa nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất, cho biết: “Trong năm 2015, có tới 150 người bị tử vong do đột tử trước khi chuyển đến bệnh viện Thống Nhất. Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng tìm ra nguyên nhân, nhưng nhiều người phát hiện chứng rối loạn nhịp tim”. Cũng theo ông, việc tìm nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim không phải dễ dàng, đặc biệt với những người đã mất trước khi chuyển đến bệnh viện.
Nhiều trường hợp gặp phải cơn ngừng tim đột ngột, sau khi đi khám mới phát hiện nguyên nhân là do rối loạn nhịp tim gây ra, vì vậy người bệnh được chỉ định đặt máy phá rung tự động để phòng ngừa nguy cơ đột tử.
Cấy máy phá rung tự động để phòng đột tử do rối loạn nhịp
Theo TS.BS Hoàng Văn Sỹ, phó khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, để phòng nguy cơ đột tử, các bác sỹ thường có chỉ định cấy máy phá rung tự động cho những trường hợp:
- Người đã bị ngưng tim đột ngột do bị hội chứng Brugada nhưng đã được cứu sống.
- Hội chứng tái cực sớm...
- Người chưa từng bị ngưng tim nhưng có người nhà bị đột tử do các bệnh lý trên, hoặc đột tử không rõ nguyên nhân.
- Người mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại, cơ tim giãn... có biểu hiện suy tim nặng hay có những rối loạn nhịp nặng như nhanh thất, rung thất gây ngưng tim.
Máy phá rung tự động tạo ra nhịp tim bình thường cho người bệnh tim mạch
Trong suốt thời gian hành nghề, ông từng ghi nhận rất nhiều ca bệnh bất ngờ, như có người đang làm việc tại giàn khoan dầu khí, bỗng nhiên cảm thấy choáng váng, chóng mặt, xây xẩm rồi bất tỉnh, sau đó được hồi sức kịp thời và đưa vào bệnh viện, thì phát hiện hội chứng Brugada; có người đang ở nhà thì đột ngột bị gồng người, trợn mắt và bất tỉnh…
Phần lớn họ tuổi đời còn rất trẻ, thường dưới 40 tuổi và chưa biểu hiện có bệnh tim trước đó. Ông thường tư vấn cho trường hợp này đặt máy phá rung tự động trong người để phòng ngừa nguy cơ đột tử.
Thiết bị này được đặt trong cơ thể bệnh nhân từ 7-10 năm. Tùy từng trường hợp tuổi thọ pin dài hay ngắn: với người bệnh có nhiều cơn rối loạn nhịp, máy phải làm việc nhiều, tuổi thọ của pin ngắn hơn và ngược lại. Có thể người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng trong thời gian đầu được đặt máy, khi chưa quen, nhưng dần dần họ sẽ thích nghi được và khi có bất cứ lo lắng gì, nên đến bệnh viện để được khám lại.
Chi phí cho một ca máy tự động phá rung tốn khoảng 200 triệu đồng (thường bảo hiểm chỉ thanh toán được một phần). Tuy nhiên, trên thực tế do chưa biết đến hoặc gia đình không có điều kiện nên số lượng bệnh nhân được tiếp cận với kỹ thuật điều trị này chưa nhiểu.
Phòng ngừa ngừa đột tử do loạn nhịp – cần bắt đầu từ lối sống
Để phòng ngừa nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp nói riêng hay phòng bệnh tim mạch nói chung, cần có một lối sống lành mạnh, bao gồm: chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau củ, ăn nhạt, bỏ thuốc lá, tránh môi trường có khói thuốc lá, hạn chế stress trong công việc. Đặc biệt, bên cạnh chế độ ăn uống cần chú ý thêm về luyện tập: Tối thiểu mỗi ngày dành 30 phút để vận động như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục thể thao.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng cực kỳ quan trọng. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường trong nhịp tim, biểu hiện choáng váng… để được điều trị kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Bình luận