“Mật ơi, đến rồi đi cho chóng” – mấu chốt để bài sỏi và dự phòng tái phát sỏi mật
Giải độc là một trong các chức năng trọng yếu của gan. Hoạt chất nào cũng thế, dù là hóa chất hay hoạt chất thiên nhiên, đều phải được chuyển hóa ở gan trước khi vào đường đào thải qua tuyến tiêu hóa hay tiết niệu. Nhờ đó mà dược phẩm ít phản ứng phụ, thực phẩm không gây ngộ độc, khói thuốc lá khó gây ung thư, độ cồn khó làm xơ gan … Giải độc chưa đủ, gan còn phải thải độc càng nhanh càng hay. Gan vì thế cần phương tiện để đưa tạp chất ra khỏi lá gan càng sớm càng tốt.. Dung môi dùng để vận chuyển độc chất chính là dịch mật. Đó là lý do tại sao gan mà thiếu mật khó còn là gan!
Nhưng mật không vì thế mà được phép quấn quít với gan. Trái lại, nếu mật không nhanh chân xuống túi mật mà ở lại trong gan quá lâu, chẳng hạn như ứ mật do viêm đường dẫn mật, thì các thành phần độc chất trong mật thừa cơ phá hoại cấu trúc của nhu mô gan! Ngay cả trong trường hợp mật xuống đến túi mật nhưng lại tạm trú quá lâu vì kẹt đường do vướng vài viên sỏi, vì cơ vòng túi mật thắt chặt do phản ứng sai lệch thì mật, thay vì xuống ruột non lại đọng lại gây viêm túi mật. Chưa dừng lại ở đó, lượng mật quá cao lại thêm ứ trong túi mật quá lâu sẽ thấm vào máu khiến nạn nhân không chỉ rối loạn tiêu hóa vì thiếu mật trong ruột mà còn khổ sở đủ điều vì ngứa ngáy toàn thân do thừa mật trong máu!
Nào đã xong! Lượng mật ăn không ngồi rồi trong túi mật là yếu tố thuận lợi để chất vôi, chất béo, tạp chất có cơ hội rủ rê nhau hòa quyện thành viên sỏi! Tùy theo kích cỡ, vị trí mà sỏi túi mật là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc mật với nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ vàng da bước qua cơn đau túi mật thừa sức đẩy nạn nhân đến phòng cấp cứu!
Thiếu mật khó tránh khỏi rối loạn hấp thu chất béo. Thừa mật sớm muộn cũng hại gan. Làm sao để gan liên tục tạo mật nhưng mật đừng ở lại trong gan quá lâu chính là một trong các điều kiện cơ bản để phòng tránh nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Điều này càng quan trọng hơn nữa ở đối tượng phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ở người tự đầu độc bằng rượu bia, thuốc lá, ở đối tượng đã bị viêm gan, đặc biệt ở những người đã từng bị sỏi mật, viêm túi mật, đường mật…
Việc chủ động tạo điều kiện để dịch mật lưu thông tốt thông qua các bài thuốc có công năng tăng cường chức năng gan (Diệp hạ châu, nhân trần), tăng khả năng tiết mật và lưu thông dịch mật (Uất kim, Chi tử, Chỉ xác), chống viêm (Sài hồ, Hoàng bá)… là một giải pháp hữu hiệu bảo vệ hệ thống gan mật. Đáng tiếc khi nhiều thầy thuốc chưa biết mặt mạnh của các cây thuốc thuộc nhóm “nhuận gan lợi mật” trong kho tàng kinh nghiệm của y học dân gian.
BS. Lương Lễ Hoàng
Bình luận