Tổng quan về rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim – nguyên nhân do đâu?
Thông thường, trái tim hoạt động như một chiếc máy bơm đưa máu đi nuôi chính bản thân nó, phổi và những phần còn lại của cơ thể. Hệ thống điện tim điều khiển hoạt động co bóp của trái tim, giúp cơ quan này thực hiện được đúng chức năng của mình.
Hoạt động của hệ thống điện tim được mô tả như sau:
- Các xung điện (tín hiệu để tim co bóp) bắt đầu phát nhịp từ nút xoang (còn gọi là nút SA) nằm trên tâm nhĩ. Đây được xem là máy tạo nhịp tim tự nhiên của trái tim.
- Sau đó, các tín hiệu rời nút xoang và di chuyển quanh trái tim theo một lộ trình đã được lập trình sẵn, khiến tim co bóp theo một chu trình nhất định.
- Tùy thuộc vào các tín hiệu thần kinh mà tim bạn có thể đập nhanh hơn hoặc chậm hơn nhịp đập bình thường (dao động khi nghỉ ngơi từ 60 - 100 nhịp/phút)
Rối loạn nhịp tim phổ biến ở những người có chức năng tim bị suy yếu do một trong các bệnh:
- Đau tim
- Suy tim hoặc bệnh cơ tim, làm suy yếu tim và thay đổi cách di chuyển của các tín hiệu điện qua tim.
- Mô tim quá dày hoặc cứng
- Van tim bị rò rỉ hoặc hẹp, khiến tim phải làm việc quá sức và dẫn đến suy tim.
- Dị tật tim bẩm sinh, ảnh hưởng tới cấu trúc hoặc chức năng của tim.
- Một số bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như:
- Tăng huyết áp
- Nhiễm trùng gây hại cho cơ tim hoặc màng tim
- Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh mạch vành tim.
- Ngưng thở khi ngủ khiến tim không được nhận đủ oxy.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém (hormone tuyến giáp trong cơ thể quá nhiều hoặc quá ít)
Rối loạn nhịp tim cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc và chất kích thích bao gồm: Thuốc chẹn beta, cồn, caffeine, amphetamine, nicotine, các thuốc có thể bắt chước hoạt động của hệ thần kinh, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc rối loạn tâm thần. Đôi khi, thuốc chống loạn nhịp tim loại này có thể gây ra một loại loạn nhịp tim khác.
Hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong trái tim
Các dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất
Rối loạn nhịp tim được chia thành rối loạn nhịp tim trên thất và rối loạn nhịp tim tại thất. Tuy nhiên, trong bài iết này chỉ kể tên một số dạng rối loạn nhịp tim phổ biến như sau:
- Rung nhĩ
- Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất (AVNRT)
- Block tim hoặc block nhĩ thất
- Nhịp nhanh nhĩ đa ổ
- Nhịp nhanh trên thất kịch phát
- Hội chứng nút xoang
- Rung thất hoặc nhịp nhanh thất
- Hội chứng WPW (Wolff - Parkinson – White).
Rối loạn nhịp tim gây ra những triệu chứng gì?
Các triệu chứng do rối loạn nhịp tim gây ra sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ trầm trọng của bệnh. Tần suất của triệu chứng cũng không cố định. Các triệu chứng có thể nhẹ, nặng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Một số loại rối loạn nhịp tim bạn có thể không cảm nhận được triệu chứng nào. Tuy nhiên, các triệu chứng thông thường được nhiều người bệnh mô tả khi gặp phải bao gồm:
- Đánh trống ngực – một trạng thái cực kỳ khó chịu về nhịp tim, được mô tả như tim đập dồn dập trong lồng ngực.
- Chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác uể oải.
- Ngất xỉu
- Khó thở
- Khó chịu ở ngực
- Mệt mỏi.
- Vã mồ hôi
Biến chứng của rối loạn nhịp tim
Chắc hẳn là không có gì là an toàn khi bỗng nhiên trái tim của bạn đập loạn nhịp không theo một quy luật vốn có. Tình trạng này có thể đôi khi không nguy hiểm vì chỉ là những đáp ứng bình thường của cơ thể. Nhưng khi rối loạn nhịp tim làm xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp, trống ngực, khó thở… thường xuyên hoặc xuất hiện trên nền các bệnh lý tim mạch khác thì có thể trở nên nguy hiểm thậm chí là đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Suy tim: Đồng nghĩa với việc trái tim sẽ dần bị suy yếu, khong đảm bảo được chức năng bơm máu đi nuôi tất cả các bộ phận khác trong cơ thể. Suy tim không chỉ gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, giai tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
- Huyết khối: Cục máu đông hình thành do sự ứ đọng máu di chuyển theo dòng chảy trong lòng động mạch nếu chẳng máu bị kẹt lại tại động mạch vành có thể gây nhồi máu cơ tim, bị kẹt tại động mạch nuôi não gây nhồi máu não… Cả hai biến chứng này nếu không được điều trị sớm có thể lấy đi tính mạng của người bệnh.
Chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Để chẩn đoán xem bạn có một rối loạn nhịp tim hay không trước hết, các bác sỹ sẽ nghe nhịp đập của tim, kiểm tra nhịp tim và hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải, tiền sử sử dụng thuốc và tiền sử bệnh của bản thân và trong gia đình.
Kiểm tra nồng độ các chất trong máu để tìm nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Sau đó bạn có thể được chỉ định một số các kỹ thuật và xét nghiệm dưới đây để khẳng định chắc chắn:
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động của hệ thống điện tim. Đây là xét nghiệm hay sử dụng nhất để chẩn đoán loạn nhịp tim.
- Theo dõi tim 24 giờ (Holter ECG/Ambulatory ECG): Ghi lại hoạt động của điện tim trong 24 giờ hoặc lâu hơn.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra nồng độ các chất có trong máu, chẳng hạn kali.
- Điện tâm đồ gắng sức (exercise ECG): Để kiểm tra các vấn đề khác với trái tim mà có thể gây nhịp tim bất thường.
- Nghiên cứu điện sinh lý (EPS): Nhằm xác định bất kỳ đường điện phụ trong trái tim mà có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để xem xét cấu trúc của tim, van và các hoạt động bơm.
- Chụp động mạch vành: Kiểm tra hoạt động của các mạch máu tim.
Rối loạn nhịp tim nhanh nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, phòng ngừa nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
(Theo dõi tiếp phần 2: Các phương pháp điều trị và phòng ngừa rối loạn nhịp tim)
Dược sỹ Đông Tây
Bình luận