Nháy mắt liên tục - Dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson xảy ra do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamine có vai trò kiểm soát các hoạt động của cơ bắp, làm cho người bệnh bị suy giảm chức năng vận động, một trong chúng là biểu hiện nháy mắt liên tục. Để đánh giá khả năng kiểm soát vận động mắt ở bệnh nhân Parkinson, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm về nhãn cầu.
Thử nghiệm tiến hành bởi nhóm nghiên cứu từ đại học Virgina Commonwealth đứng đầu là Bác sỹ Mark S.Baron. Đối tượng nghiên cứu bao gồm một nhóm 112 bệnh nhân Parkinson và nhóm đối chứng gồm 60 người khỏe mạnh. Bằng cách sử dụng thiết bị đo chính xác sự chuyển động nhãn cầu, chức năng vận động mắt được ghi lại và so sánh giữa 2 nhóm đối tượng nghiên cứu trong khi nhìn chăm chú và khi theo dõi một mục tiêu di động trên màn hình máy vi tính. Kết quả chính được ghi nhận bao gồm độ ổn định của mắt khi nhìn chăm chú và thông số chuyển động đột ngột của mắt khi mục tiêu chuyển động.
Kết quả cho thấy ở tất cả 112 bệnh nhân Parkinson, đều có sự dao động không ổn định của mắt (run mắt) khi nhìn chăm chú, với tần số trung bình là 5,7 Hz và biên độ trung bình là 0,27o. Trong đó, mức độ run không tương quan với thời gian mắc bệnh hay liều thuốc điều trị. Run mắt chỉ xảy ra ở 2 trong số 60 người khoẻ mạnh. Tuy nhiên, các thông số vận động mắt đột ngột khi quan sát mục tiêu chuyển động không khác nhau giữa 2 nhóm nghiên cứu.
Người bệnh Parkinson thường nháy mắt liên tục
Như vậy tất cả bệnh nhân Parkinson đều có biểu hiện nháy mắt liên tục, điều này khiến khả năng định hình mục tiêu ổn định khi quan sát (nhìn chăm chú) của họ bị hạn chế. Kết quả nghiên cứu này cũng đã mở ra triển vọng phương pháp kiểm tra vận động mắt có thể cung cấp một dấu hiệu sớm giúp chẩn đoán bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm tiến trình bệnh và giảm thiểu những tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác. Vì thế, hãy lưu ý đến biểu hiện nháy mắt liên tục, nhất là đối với người cao tuổi vì rất có thể đây là triệu chứng sớm nhận biết của bệnh Parkinson.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Theo nguồn:
Bình luận