Đái tháo đường và bệnh mắt
Ai sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc đái tháo đường
Tất cả những bệnh nhân bị đái tháo đường đều có nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Những bệnh nhân sau sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc đái tháo đường: thời gian bị đái tháo đường kéo dài, đường trong máu cao, đái tháo đường đi kèm với cao huyết áp đặc biệt có kèm biến chứng thận, đái tháo đường và thai kì.
Giải phẫu mắt bình thường
Mắt của người có hình dạng và kích thước giống như một trái banh, hơi lồi ra trước. Phía trước là đồng tử (con ngươi), sau con ngươi là thể thủy tinh, giống như là một kính phóng đại. Bên trong mắt chứa một chất giống như lòng trắng trứng gà được gọi là dịch kính. Bao bọc dịch kính là một lớp tế bào thần kinh được gọi là võng mạc.
Mắt giống như một máy chụp hình. Ánh sáng đi qua đồng tử, thể thủy tinh và cuối cùng hội tụ trên võng mạc. võng mạc giống như phim ảnh, có nhiệm vụ thu nhận các hình ảnh hội tụ trên võng mạc và truyền lên não, vì vậy, khi võng mạc bị tổn thương thì ta không nhận biết được hình ảnh.
Trung tâm võng mạc được gọi là điểm vàng là phần quan trọng nhất của thị giác. Vùng này sẽ nhận biết được tất cả hình ảnh ngay trước mắt. võng mạc xung quanh điểm vàng chịu trách nhiệm cho thị giác ngoại biên.
Bệnh lý võng mạc đái tháo đường
Đái tháo đường làm cho những mạch máu rất nhỏ trên võng mạc bị hủy hoại. Tổn thương của võng mạc có hai giai đoạn:
Giai đoạn sớm hay còn gọi là giai đoạn không tăng sinh. Giai đoạn này bệnh nhân thường có rối loạn thị giác. Trong giai đoạn này, những mạch máu nhỏ bị suy yếu, tạo thành những túi phình mạch nhỏ. Máu và những thành phần trong máu như nuớc, các chất mỡ sẽ thoát ra khỏi mạch máu và đi vào võng mạc gây xuất huyết, xuất tiết và phù võng mạc. Nếu như các chất xuất huyết này xảy ra tại điểm vàng, bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm trong giai đoạn này thì có thể ngăn ngừa được mất thị lực.
Giai đoạn muộn hay còn gọi là giai đoạn tăng sinh. Trong giai đoạn này, những mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn dẫn dến sự cung cấp máu cho võng mạc bị thiếu. Để bù đắp cho tình trạng thiếu cung cấp máu này, rất nhiều mạch máu mới được phát triển. Những mách máu mới này rất giòn và dễ vỡ. Khi những mạch máu này vỡ sẽ gây chảy máu trong mắt, vì vậy bệnh nhân bất ngờ bị giảm thị lực. Nếu máu ít, bệnh nhân sẽ có cảm giác như một đám mây mù trước mắt. Nếu như chảy máu nhiều, bệnh nhân sẽ không nhìn thấy gì hết. Máu ở trong mắt phải mất một thời gian dài từ vài tuần đến vài tháng để tan hết, phụ thuộc vào số lượng máu chảy nhiều hay ít. Chảy máu nhiều sẽ dẫn dến sự hình thành các mô sợi trên võng mạc. Các mô sợi co kéo và gây bong võng mạc mà nếu không được điều trị sẽ gây mù lòa.
Các biện pháp phòng ngừa mù lòa do bệnh đái tháo đường
Nên giữ lượng đường trong máu ở mức độ cho phép.
Khám mắt định kì. Nên đi khám mắt định kỳ tại các trung tâm mắt hoặc các bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường. Đừng chờ đợi cho đến khi có các triệu chứng ở mắt mới đi khám mắt. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường tiến triển rất yên lặng trước khi bạn ghi nhận có hiện tượng giảm thị lực. Càng bắt đầu điều trị sớm càng có nhiều cơ hội phòng ngừa mù lòa. Bao lâu nên đi khám mắt?
- Bệnh nhân duới 30 tuổi bị đái tháo đường đang được điều trị với insulin nên đi khám mắt ít nhất là sau 5 năm kể từ khi bắt đầu phát hiện bị đái tháo đường. Sau đó khám định kì 2 năm một lần.
- Bệnh nhân trên 30 tuổi nên khám mắt ngay khi được phát hiện đái tháo đường.
- Bệnh nhân có cao huyết áp và bệnh thận nên khám thường xuyên hơn. Phụ nữ có thai và bị đái tháo đường nên đi khám mắt. Trong thời gian giữa hai lần khám định kì nếu có bất kì những triệu chứng nào ở mắt phải đi khám ngay, không nên chờ đợi đúng ngày hẹn. Khi bệnh nhân đã thực sự có bệnh lý võng mạc đái tháo đường rồi thì thời gian khám mắt sẽ phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh.
Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh võng mạc đái tháo đường?
Đến khám tại trung tâm mắt. Kiểm tra võng mạc với đèn soi đáy mắt. Các bác sĩ nhãn khoa với những đèn soi đáy mắt chuyên biệt sẽ kiểm tra võng mạc để phát hiện những tổn thương ở giai đoạn sớm.
Chụp hình màu võng mạc cũng là một phương pháp để phát hiện sớm tổn thương trên võng mạc. Chụp hình võng mạc có tiêm thuốc cản quang giúp trong chẩn đoán và quyết định xem bệnh nhân có cần điều trị laser hay không?
Phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc đái tháo đường
Laser là phương pháp đầu tiên để điều trị bệnh lý võng mạc đái tháo đường. Laser không giúp lấy lại được thị lực tốt cho bệnh nhân nhưng laser có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển. Điều trị bằng laser có thể được thực hiện vài lần, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút. Đầu tiên nhỏ thuốc giãn đồng tử để bác sĩ có thể quan sát rõ võng mạc. Sau đó, nhỏ thuốc tê vào mắt để giúp bác sĩ dễ dàng đặt một vài loại kính đặc biệt lên mắt, sau khi điều trị kính sẽ được lấy ra. Bạn sẽ ngồi trước một kính hiển vi đặc biệt và bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị. Thỉnh thoảng có một vài bệnh nhân không thể ngồi yên để điều trị, khi đó bác sĩ sẽ phải tiêm thuốc tê. Trong những trường hợp bệnh lý võng mạc đái tháo đường nặng có biến chứng bong võng mạc, xuất huyết trong mắt thì khi đó phải can thiệp bằng phẫu thuật. Tiên luợng trong những trường hợp này rất xấu.
Bình luận