Bệnh ở mạch máu lớn do đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa glucid mạn tính. Biến chứng mạch máu do ĐTĐ được chia ra 2 loại: biến chứng mạch máu lớn như bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột qụy; biến chứng mạch máu nhỏ như bệnh cầu thận, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc. Dưới đây chỉ đề cập đến biến chứng mạch máu lớn ở bệnh nhân ĐTĐ.
Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành rất hay gặp và là biến chứng nặng. Một nghiên cứu cho thấy: so với người bình thường, bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng gấp 2 - 4 lần; tỷ lệ nhồi máu cơ tim hoặc tử vong là 20%. Bệnh nhân bị bệnh mạch vành thường có các biểu hiện: bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, chỉ tình cờ phát hiện khi đo điện tâm đồ. Cơn đau thắt ngực điển hình kiểu mạch vành với các đặc điểm: cảm giác đau thắt, bóp nghẹt, xiết chặt, cũng có thể là cảm giác bỏng rát, kim châm; vị trí đau sâu phía sau xương ức, chính giữa tim, hoặc ngực trái; đau ngực có khi không lan, có khi lại lan xuyên lồng ngực ra phía sau giữa 2 xương bả vai, lan từ ngực lên hàm, lên vai; cơn đau có thể chỉ thoáng qua vài giây, vài phút, hoặc kéo dài vài chục phút; cơn đau xuất hiện sau gắng sức như đi bộ đường dài, leo cầu thang, khiêng đồ nặng, chơi thể thao, giao hợp... đau giảm khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trên thực tế cơn đau có thể đủ những triệu chứng điển hình như trên hoặc rất thay đổi như cơn đau thắt ngực im lặng, cơn đau thắt ngực không điển hình và nặng nhất là nhồi máu cơ tim, đột tử. Đo điện tim rất có ích cho chẩn đoán phát hiện sớm bệnh; vì vậy bệnh nhân nên thường xuyên đo điện tim. Bệnh có thể được phòng ngừa và hạn chế biến chứng nặng bằng kiểm soát tốt và sớm đường huyết.
Bệnh mạch máu ngoại vi
ĐTĐ làm gia tăng bệnh mạch máu ngoại vi từ 2 - 4 lần so với người không bị ĐTĐ. Tùy vị trí và tổn thương mà bệnh có triệu chứng thay đổi ở các bệnh nhân. Có thể thấy một số dấu hiệu như: đi khập khiễng cách hồi do bệnh ở khối cơ bắp chân, ở đùi và mông; có khi chỉ thấy yếu ở chân khi đi bộ hoặc cảm thấy mỏi ở mông; liệt dương thường thấy ở nam giới; lúc nghỉ thường không đau; có tiếng thổi động mạch đùi, mất mạch ở chân; mạch đùi mất hoặc rất yếu, mạch tận mất; có thể nghe thấy tiếng đập ở động mạch chủ, động mạch chậu hoặc đùi; huyết áp tâm thu, thường là cao hơn ở cẳng chân, ở tay cao hơn ở cổ chân; teo da, tổ chức dưới da, và cơ phần dưới cẳng chân thường là ít. Chụp Xquang động mạch chủ, động mạch đùi và cẳng chân, có thể thấy được mức độ của chỗ tắc. Siêu âm cần thiết cho theo dõi tiến triển của bệnh.
Bệnh mạch máu não
Đột qụy và bệnh mạch máu não là biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ĐTĐ có tỷ lệ calci hóa động mạch cảnh gấp 5 lần so với người không mắc bệnh; ĐTĐ đặc biệt làm tăng nguy cơ đột qụy trong số bệnh nhân trẻ tuổi, và ở bệnh nhân dưới 55 tuổi, nguy cơ đột qụy hơn 10 lần; tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não gia tăng ở mọi lứa tuổi bệnh nhân ĐTĐ.
Triệu chứng nhận biết đột qụy ở bệnh nhân gồm: đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân; nhìn mờ đi hoặc mất thị lực; khó nói hoặc không hiểu lời nói của người khác; đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân; chóng mặt, loạng choạng, té ngã, không giải thích được lý do vì sao như thế.
Phương hướng điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh ở mạch máu lớn do ĐTĐ là kiểm soát tốt đường huyết kết hợp với điều trị biến chứng trên từng bệnh nhân.
Kiểm soát đường huyết chặt chẽ làm giảm nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ như bệnh cầu thận và bệnh võng mạc và biến chứng mạch máu lớn như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành và bệnh lý mạch máu ngoại vi. Nhiều nghiên cứu cho thấy kiểm soát ĐTĐ tích cực sẽ làm giảm 42% nguy cơ tất cả các biến cố tim mạch; giảm 57% tử vong do nhồi máu cơ tim, đột qụy. Vì mức độ kháng insulin làm tăng tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp, đột qụy và bệnh mạch máu ngoại vi nên cần dùng thuốc cải thiện tình trạng kháng insulin. Các thuốc được khuyên dùng là: metformin có tác dụng làm giảm sản xuất glucose ở gan và cải thiện sử dụng glucose ở ngoại vi, giảm đường huyết lúc đói và nồng độ insulin, cải thiện chuyển hóa lipid, làm giảm cân; như vậy metformin làm giảm tình trạng kháng insulin, do đó làm giảm biến chứng mạch máu lớn ở bệnh nhân ĐTĐ. Thuốc TZD làm giảm nồng độ acid béo tự do huyết tương lúc đói, và cải thiện tình trạng kháng insulin ở cơ vân và sử dụng glucose ở ngoại vi, giảm tình trạng kháng insulin, giảm huyết áp, cải thiện chức năng nội mạc, giảm viêm thành mạch, ức chế quá trình tăng nhanh tế bào cơ trơn thành mạch, do nó đối kháng lại quá trình ôxy hóa. Nhóm thuốc ức chế e-glucosidase có tác dụng giảm 50% biến chứng mạch máu lớn.
Điều trị tăng huyết áp là rất quan trọng vì kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 sẽ làm giảm biến cố tim mạch và tử vong, giảm bệnh lý mạch máu lớn.
Điều trị rối loạn mỡ máu để kiểm soát lipid máu, giảm thiểu xơ vữa mạch máu. Thay đổi lối sống rất có tác dụng để điều trị rối loạn mỡ máu. Sử dụng thuốc aspirin liều thấp có tác dụng làm giảm biến cố tim mạch cho bệnh nhân.
Bệnh ĐTĐ gây ra tăng đường huyết, rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp từ đó dẫn đến hậu quả xơ vữa ở mạch máu trung bình và lớn. Có 3 hệ mạch thường gặp xơ vữa là động mạch vành, mạch chi và động mạch cảnh ngoài sọ. Khoảng hơn 65% bệnh nhân ĐTĐ tử vong do bệnh tim mạch. Đặc điểm của bệnh nhân ĐTĐ týp 2 là béo phì thể bụng, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
ThS. Nguyễn Hoàng Lan
Bình luận