Diamicron có hoạt chất chính là Gliclazid thuộc nhóm thuốc điều trị tiểu đường type 2 Suphonylurea. Diamicron MR - dạng phóng thích hoạt chất có tác dụng kéo dài trong vòng 24h - thường được chỉ định nhiều ở nước ta với các hàm lượng 30 và 60mg.

Diamicron làm giảm đường huyết như thế nào?

Glucose (đường) là nguồn nhiên liệu chính cho mọi hoạt động sống của tế bào. Trong bệnh tiểu đường type 2, insulin - hormon kiểm soát đường huyết - bị thiếu hụt về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến đường huyết luôn tăng cao. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng trên nhiều cơ quan như tim, thận, mắt, thần kinh… Do đó, ổn định đường huyết là mục tiêu quan trọng hàng đầu nếu muốn chung sống với bệnh tiểu đường.

Diamicron có tác dụng làm giảm lượng đường huyết bằng cách kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin. Thuốc có khả năng cải thiện số lượng insulin trùng với nhịp điệu tiết insulin của cơ thể đó là sau khi ăn. Quá trình này sẽ làm giảm đường huyết ở người bệnh một cách tự nhiên như những người khỏe mạnh.

Diamicron cũng có khả năng chống xơ vữa mạch máu, ngăn chặn các tế bào tiểu cầu tập trung lại với nhau để hình thành cục máu đông, đồng thời tăng tiêu hủy cục máu đông, ngăn ngừa các biến chứng lâu dài do tiểu đường như nhồi máu cơ tim, đột quỵ….

Diamicron được chỉ định khi người bệnh tiểu đường đã thực hiện chế độ ăn, uống, tập thể dục nhưng không thể kiểm soát được đường huyết. Người bệnh có thể chỉ cần dùng đơn lẻ hoặc phối hợp cùng các thuốc khác như insulin, metfomin (biệt dược là Glucophage)…

Diamicron có tác dụng giảm đường huyết để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Diamicron có tác dụng giảm đường huyết để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Ai không nên sử dụng Diamicron?

Bạn không thể sử dụng Diamicron nếu nằm trong nhóm đối tượng sau đây:

-    Trẻ em dưới 12 tuổi

-    Dị ứng với bất kỳ thuốc nào trong nhóm sulphonylure (glibenclamid, tolbutamide…), dị ứng nhóm thuốc sulphonamide (kháng sinh sulfamethoxazole)

-    Người bệnh tiểu đường type 1

-    Người đang bị biến chứng nhiễm toan ceton

-    Người có chức năng gan, thận suy giảm

-    Những người bị bệnh rối loạn máu di truyền hiếm gặp (porphyrias)

-    Phụ nữ mang thai và cho con bú

-    Viên Diamicron nếu có thành phần tá dược là lactose thì những người bị rối loạn chuyển hóa đường galactose hoặc kém hấp thu glucose - galactose thì không nên sử dụng

Không nên sử dụng Diamicron khi bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc trong quá trình sử dụng nếu thấy có dấu hiệu dị ứng, cần thông báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ.

Những điều cần biết khi dùng Diamicron

Trước khi dùng thuốc, hãy đọc kỹ thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ, nên hỏi trực tiếp bác sĩ/dược sĩ. Bạn cũng cần kiểm tra đường huyết thường xuyên khi dùng Diamicron.

Diamicron chỉ là một giải pháp giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn ngoài chế độ ăn và tập luyện. Do đó, nếu bạn muốn điều trị bệnh tiểu đường tốt, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Hãy uống nguyên viên thuốc với một ly nước lớn, bạn có thể chia đôi viên thuốc thành 2 phần, tuy nhiên không được nghiền hoặc nhai vì có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của thuốc.

Bạn nên sử dụng thuốc theo một giờ nhất định thường là vào bữa ăn sáng. Khi bạn bỏ quên liều thuốc, hãy bỏ qua liều bị quên và sử dụng thuốc với liều như bình thường.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng khi bị tăng đường huyết như hôn mê, mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, tiểu nhiều, nhìn mờ… hãy gọi sự giúp đỡ của bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể cân nhắc tăng liều Diamicron hoặc phối hợp cùng các thuốc khác.

Diamicron khi sử dụng có thể làm da trở nên nhạy cảm hơn với sáng sáng mặt trời, làm tăng nguy cơ bị phát ban da, ngứa, mẩn đỏ, hoặc bị cháy nắng nặng. Vì vậy, nếu phải làm việc ngoài trời, hoặc đi ra đường trong thời tiết năng nóng, bạn nên mặc quần áo chống nắng dày, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+.

Khi dùng Diamicron nếu phải lái xe thì nên cẩn thận, bởi thuốc có thể gây buồn ngủ, làm người bệnh dễ mất tập trung.

Nếu bị cảm lạnh, sốt, cúm, tai nạn, nhiễm trùng… bạn cần thông báo cho bác sĩ biết. Bởi trong những trường hợp này, khả năng kiểm soát đường huyết sẽ kém hiệu quả hơn.

Rượu có thể gây tương tác khi bạn sử dụng cùng với Diamicron, làm tăng nguy cơ bị đỏ bừng, nhức đầu, khó thở, tim đập nhanh, đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa…. Do đó, nếu đang dùng thuốc, bạn nên từ bỏ rượu hoặc uống một lượng vừa phải.


Kiểm tra đường huyết thường xuyên khi sử dụng Diamicron

Kiểm tra đường huyết thường xuyên khi sử dụng Diamicron

Tác dụng phụ khi dùng Diamicron và cách xử trí

Nếu cảm thấy cơ thể không khỏe khi sử dụng Diamicron, bạn cần thông báo cho bác sĩ. Bởi giống như tất cả thuốc khác, Diamicron cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, đa phần những tác dụng này không quá nghiêm trọng và rất ít gặp.

Hạ đường huyết: có thể xuất hiện do tập thể dục quá mức, bỏ qua bữa ăn, uống nhiều rượu… Triệu chứng khi bị hạ đường huyết bao gồm: đổ mồ hôi lạnh, da nhợt nhạt, run rẩy, khó tập trung, lo lắng, mệt mỏi bất thường, lú lẫn, đói cồn cào, đau đầu, buồn nôn… Những lúc này, bạn có thể ngậm một viên kẹo ngọt, uống một cốc nước hoa quả đồng thời liên hệ với bệnh viện để được hướng dẫn.

Giảm số lượng tế bào máu (tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu): người bệnh sử dụng Diamiron kéo dài có thể bị tái nhợt, chảy máu, bầm tím, đau họng, sốt cao… Những triệu chứng này sẽ được thuyên giảm khi ngưng sử dụng thuốc.

Làm tăng men gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan: vì lý do này, bạn nên nói cho bác sĩ nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như nôn, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc vàng củng mạc mắt…

Các tác dụng phụ khác: như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau lưng, đau khớp, đau đầu, huyết áp cao, đau ngực, chóng mắt, đau bụng, nhìn mờ…

Đặc biệt nghiêm trọng, khi gặp phải các dấu hiệu: da phát ban, nổi mày đay, phù mạch (mí mắt sưng, mặt, môi, miệng, lưỡi, họng sưng dẫn đến khó thở), phồng rộp da, lột da… bạn cần ngay lập tức đến bệnh viện để được tìm cách xử trí kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.

Tương tác giữa Diamicron và các thuốc khác

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết. Do đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ/dược sĩ biết các thuốc đang dùng, ngay cả thuốc không kê đơn, các loại nước uống thảo dược.

Một số thuốc điều trị sau đây có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết: captopril, enalapril, chloramphenicol, cimetidine, coumarin, fluconazole, insulin, thuốc điều trị tiểu đường khác, sulfamethoxazole, co-trimoxazole... Thuốc chẹn beta, bao gồm cả thuốc nhỏ mắt có chứa nhóm này như propranolol, atenolol... cũng có thể che khuất một số triệu chứng khi bị hạ đường huyết.

Trái ngược với những thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, nếu dùng Diamicron với nhóm thuốc chống loạn thần (chlorpromazine, olanzapine, risperidone), salbutamol, salmeterol, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu thiazide... có thể làm giảm tác dụng của thuốc, dẫn đến đường huyết vẫn tăng cao.

Sử dụng thuốc là điều khó tránh khỏi với người tiểu đường, nhưng bằng cách tìm hiểu kỹ về loại thuốc mình sử dụng, những lưu ý cần tránh sẽ giúp bạn sử dụng thuốc an toàn, đạt hiệu quả điều trị bệnh cao hơn.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn:

http://www.news-medical.net/drugs/Diamicron-60mg-MR.aspx
http://www.netdoctor.co.uk/medicines/diabetes/a6555/diamicron-gliclazide/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15565373

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận