Tại Mỹ, Glucobay (hoạt chất chính là Acarbose) là thuốc điều trị tiểu đường type 2 từng được khuyến cáo hạn chế chỉ định, bởi lợi ích mà nó mang lại không đủ mạnh để “biện minh” cho các tác dụng phụ thường gặp trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi... Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh Glucobay hoàn toàn an toàn, hiệu quả và dung nạp tốt với người Châu Á. Do đó, thuốc vẫn tiếp tục được chỉ định rộng rãi để kiểm soát đường huyết sau ăn ở người bệnh tiểu đường.

Glucobay kiểm soát đường huyết như thế nào?

Ở người bệnh tiểu đường type 2, đường huyết sau ăn tăng cao thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạn tính, đặc biệt là biến chứng trên tim mạch. Vì vậy, kiểm soát đường huyết sau ăn là một mục tiêu quan trọng trong điều trị tiểu đường type 2.

Thuốc Glucobay có tác dụng làm chậm hấp thu đường bằng cách ức chế cạnh tranh với enzym alpha - glucosidases, có nhiệm vụ chuyển đường sucroza (đường mía) thành đường glucose, nhờ đó giúp hạ đường huyết sau ăn. Ngoài ra, Glucobay cũng có khả năng làm giảm chỉ số HbA1c, tuy nhiên mức độ giảm là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như liều lượng sử dụng.

Glucobay-la-thuoc-dieu-tri-tieu-duong-type-2-nho-tac-dung-giam-hap-thu-duong-sau-an
Glucobay là thuốc điều trị tiểu đường type 2 nhờ tác dụng giảm hấp thu đường sau ăn

Liều lượng và cách dùng Glucobay

Glucobay được sử dụng bằng đường uống, bạn có thể nhai viên thuốc trong bữa ăn hoặc uống thuốc cùng một cốc nước lớn.

Do hoạt động của enzym glucosidases khác nhau ở từng người, nên không có liều cố định khi sử dụng Glucobay, bác sĩ sẽ chỉ định liều dựa trên mức đường huyết và đáp ứng điều trị ở mỗi người. Ở người trưởng thành, Glucobay được khuyến cáo với liều khởi đầu là 50mg x 3 lần/ngày, tuy nhiên một số người chỉ sử dụng 1 - 2 lần/ngày phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Sau 6 - 8 tuần, nếu thấy đáp ứng tốt, bác sĩ có thể cân nhắc lên liều 100mg x 3 lần/ngày. Nếu xuất hiện tình trạng mệt mỏi, mặc dù đã tuân thủ sử dụng nghiêm ngặt chế độ ăn uống, thì không nên tiếp tục tăng liều mà cần phải xem xét để giảm liều.

Vì tính an toàn nên Glucobay không được sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

Cần lưu ý những gì trong quá trình sử dụng Glucobay?

Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian, liều lượng và số lần uống trong ngày. Đừng tự ngưng hoặc bỏ qua liều hay tăng liều, bởi điều này có thể làm tăng hoặc hạ đường huyết cấp tính rất nguy hiểm cho người bệnh.

Nếu bỏ quên một liều Glucobay, hãy dùng nó sau khi nhớ ra. Nhưng nếu thời gian bỏ quên gần với liều uống thuốc tiếp theo thì bạn có thể bỏ qua và dùng thuốc với liều như liều bình thường.

Glucobay ít khi gây tác dụng hạ đường huyết, mà thông thường tình trạng này có thể xảy ra do bạn bỏ qua một bữa ăn, tập thể dục quá mức, uống rượu hoặc sử dụng cùng các thuốc điều trị tiểu đường khác như nhóm sulfonylurea và insulin. Nếu sau khi uống thuốc thấy có các biểu hiện như: vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, ớn lạnh, mắt mờ… thì bạn nên ngậm ngay một chiếc kẹo ngọt và liên lạc với bác sĩ để được hướng dẫn.

Một số trường hợp khi sử dụng Glucobay có thể làm tăng men gan, làm rối loạn chức năng gan có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên đa phần sự rối loạn này có thể được cải thiện bằng cách ngưng sử dụng. Vì thế người bệnh khi được chỉ định thuốc cần theo dõi chức năng gan, men gan trong vòng 6 - 12 tháng điều trị. Nếu phát hiện men gan tăng nhưng chưa quá cao, bác sĩ có thể cân nhắc ngưng sử dụng thuốc hoặc tiếp tục theo dõi người bệnh sát sao hơn hàng tuần.

Tương tác của Glucobay với thực phẩm và thuốc điều trị khác

Sucrose (đường mía) và thực phẩm có chứa đường mía thường gây cảm giác khó chịu ở bụng hoặc tiêu chảy trong thời gian điều trị bằng Glucobay, nguyên nhân là do khi sử dụng thuốc cơ thể không thể dung nạp loại đường này.

Glucobay-la-thuoc-dieu-tri-tieu-duong-type-2-nho-tac-dung-giam-hap-thu-duong-sau-an
Không sử dụng đường mía, nước mía khi uống thuốc Glucobay

Các chất hấp phụ ở ruột (ví dụ than hoạt tính), các chế phẩm có chứa enzym tiêu hóa như amylase, pancreatin… có thể làm giảm tác dụng của Glucobay, do đó không sử dụng đồng thời những loại thuốc này.

Thuốc chẹn kênh canxi (verapamil), corticosteroid (prednisone), thuốc lợi tiểu (hydrochlorothiazide), isoniazid, acid nicotinic, thuốc tránh thai, phenothiazin (chlorpromazine), phenytoin, hoặc levothyroxin... có thể gây tăng đường huyết do làm giảm tác dụng của Glucobay.

Thuốc Glucobay có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu digoxin (thuốc trợ tim), do đó khi sử dụng đồng thời bác sĩ sẽ phải theo dõi nồng độ digoxin trong máu để điều chỉnh lại liều lượng thuốc.

Tuy thuốc Glucobay mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh tiểu đường, nhưng đây chỉ là một phần trong kế hoạch điều trị lâu dài. Do đó, người bệnh cần phối hợp sử dụng thuốc cùng chế độ ăn và tập luyện để kiểm soát đường huyết tốt hơn, hướng đến mục tiêu quan trọng là phòng ngừa biến chứng.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn:

https://www.drugs.com/cdi/acarbose.html
https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a696015.html
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23602502
https://www.medicines.org.uk/emc/medicine/27828

 

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận