Rối loạn tiêu hóa ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh đái tháo đường có thể gây biến chứng lên toàn bộ các tế bào và hệ cơ quan trong cơ thể. Trong đó biến chứng lên hệ tiêu hóa chiếm tỷ lệ rất cao (tới 50% số bệnh nhân) và gây ra những trở ngại/thú vui trong cuộc sống cũng như ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người bệnh.
Cứ 2 người đến khám bệnh đái tháo đường luôn có 1 người than phiền về các rắc rối liên quan đến hệ tiêu hóa. Đó là các triệu chứng hoặc là ăn mất ngon, ăn khó tiêu, hoặc là các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần trong ngày hoặc ngược lại bệnh nhân thấy đi ngoài phân táo.
Biến chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường
Trên suốt dọc đường tiêu hóa có thể thấy các rối loạn gây ra do đường máu cao, những triệu chứng điển hình có thể kể đến như sau:
Thực quản
Rối loạn vận động thực quản: bệnh nhân có thể đến gặp bác sỹ và than phiền về chứng khó nuốt, thức ăn bị nghẹn, cảm giác nóng bỏng ở ngực do trào ngược dạ dày - thực quản, thậm chí đau ngực (dễ nhầm với cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim). Khi có triệu chứng trên, các bác sỹ có thể chỉ định cho bệnh nhân soi thực quản để loại trừ các nguyên nhân khó nuốt khác như: u thực quản, viêm thực quản, nhiễm nấm thực quản.
Biến chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường
Dạ dày
Liệt dạ dày do đái tháo đường lâu ngày cũng là một biến chứng rất thường gặp, có thể tới 30-50% bệnh nhân mắc bệnh lâu năm. Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn, cảm giác no đến sớm khiến bệnh nhân không thể ăn được nhiều. Nôn ra lượng thức ăn nhiều sau khi ăn đã lâu là một triệu chứng rất có giá trị gợi ý đến liệt dạ dày do đái tháo đường. Chán ăn và nôn khiến cho bệnh nhân gày sút, suy dinh dưỡng, có thể thiếu máu do thiếu vitamin B12. Vì dạ dày bị liệt làm cho thức ăn lưu lại ở đó lâu hơn dẫn đến khá nhiều hệ quả khác như: hạ huyết áp sau khi ăn (dễ bị ngất, đột quỵ) do dịch tiêu hóa chậm hấp thu; thức ăn có thể bị kết thành khối trong dạ dày gây tắc nghẽn phải nội soi cắt nhỏ và gắp từng phần ra khỏi dạ dày. Đặc biệt, việc thức ăn lưu lại ở dạ dày lâu còn ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định đường máu. Khả năng làm rỗng dạ dày nhanh hay chậm có thể ảnh hưởng tới 35% sự dao động đường máu sau khi ăn mặc dù chúng ta ăn với khối lượng bữa ăn giống nhau. Mặt khác, thuốc uống vào cũng theo đó mà bị ảnh hưởng tới sự hấp thu nên đường máu sau ăn càng bị dao động nhiều. Với bệnh nhân đái tháo đường typ 1, liều insulin thường phải giảm đi để tránh bị hạ đường huyết sau ăn do thức ăn chưa kịp đưa xuống ruột để được tiêu hóa.
Bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra biến chứng ở ruột. Điển hình là những đợt đi ngoài phân lỏng nát có thể tới 20-30 lần/ngày. Thông thường bệnh nhân đi ngoài nhiều vào ban đêm hơn là ban ngày. Việc đi ngoài nhiều lần khiến bệnh nhân thấy rất bất tiện trong sinh hoạt, không dám đi đâu xa khỏi nhà và có cảm giác xấu hổ, mặc cảm với bệnh tật của mình, nhất là khi đi ngoài nhiều như vậy, có lúc bệnh nhân không tự chủ được, phân có thể són ra quần gây cảm giác khó chịu. Những đợt đi ngoài phân lỏng này có thể dừng lại xen kẽ với khoảng thời gian đi ngoài bình thường, thậm chí táo bón. Thông thường, nếu chỉ đơn thuần đi ngoài nhiều lần, cân nặng thường không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu có giảm sút cân, cần xem lượng đường máu có tăng cao quá hoặc chán ăn do kèm liệt dạ dày kết hợp. Nếu không tìm thấy lý do giải thích hợp lý, cần khám thêm các nguyên nhân khác gây đi ngoài nhiều lần và gày sút có thể gặp như bệnh viêm ruột kết, xơ sỏi tụy, viêm ruột nhiễm khuẩn…
Lưu ý: đi ngoài có thể do dùng chính loại thuốc chữa đái tháo đường là metformin (Glucophage) và thuốc ức chế men alpha glucosidase (Glucobay).
Túi mật và đường mật: bình thường khi ta ăn, túi mật sẽ tiết hết lượng mật dự trữ trong túi mật vào ruột để giúp tiêu hóa thức ăn. Khi đường máu cao nhiều và bị mắc bệnh đái tháo đường lâu ngày, khả năng co bóp túi mật bị suy giảm khiến cho mật bị ứ lại không tiết hết xuống ruột. Điều này có 2 bất lợi lớn: 1) khả năng tiêu hóa thức ăn bị kém đi và 2) sự ứ trệ mật khiến cho dễ hình thành sỏi trong túi mật và gây viêm túi mật. Sỏi túi mật có thể không có triệu chứng, nhưng cũng có thể gây đau vùng hạ sườn bên phải và sốt rét run, đường máu tăng cao bất thường không rõ lý do. Siêu âm là cách đơn giản nhất để tìm sỏi trong túi mật. Bệnh nhân có thể mổ được như những người không bị mắc đái tháo đường khác.
Lưu ý: phải điều chỉnh đường máu thật tốt bằng insulin trước, trong và sau khi mổ.
Đại tràng: táo bón và đau vùng bụng dưới gặp khoảng 25% số bệnh nhân mắc đái tháo đường typ1 cũng như typ2. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón khác cần phân định như bệnh suy tuyến giáp; rối loạn điện giải trong máu; dùng các thuốc gây táo bón như: thuốc ngủ, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm…Hỏi bệnh và khám xét tổng quát sẽ giúp phân biệt nguyên nhân táo bón để từ đó có cách điều trị thích hợp.
Trực tràng (đoạn cuối cùng của đường tiêu hóa): bình thường khi khối lượng phân đủ nhiều trong trực tràng sẽ tạo tín hiệu báo lên thần kinh trung ương cho ta biết cần phải đi đại tiện. Nếu như điều kiện hoàn cảnh cho phép, cơ thắt trực tràng sẽ giãn ra và cùng với phản xạ co một loạt các cơ khác để tống phân ra ngoài. Với người đái tháo đường có biến chứng thần kinh tự động, phần lớn bệnh nhân đều cảm giác thấy có phân trong trực tràng nhưng không thể kìm hãm sự tống phân một cách chủ động. Điều đó khiến cho bệnh nhân rất mặc cảm và thấy bất tiện khi đi ra khỏi nhà (rất may là hiện có bỉm cho cả người lớn). Sự phiền toái này nhiều hơn chúng ta nghĩ, khi mà nó gặp trên khoảng 18% số bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có biến chứng thần kinh tự động.
Đôi điều về nguyên nhân và cách điều trị rối loạn tiêu hóa trong bệnh tiểu đường
Trước kia, người ta cho rằng biến chứng thần kinh tự động của ruột thuộc vào biến chứng thoái hóa nên không thể quay trở lại bình thường được. Nhưng, những quan sát trên lâm sàng và thực nghiệm đo đạc cho thấy rằng đường máu tăng cao một cách đột ngột cũng gây ra những rối loạn hoạt động của hệ tiêu hóa. Rất nhiều bệnh nhân đã khỏi hẳn chứng đi ngoài nhiều lần khi mà đường máu được điều chỉnh về gần giá trị bình thường.
Do đó, việc điều trị các biến chứng này có nguyên tắc chung là giữ đường máu ổn định tốt sẽ phòng ngừa được rối loạn tiêu hóa và nếu có ai đó lỡ có biến chứng rồi cũng không nên bi quan, vẫn có các giải pháp thích hợp cho từng trường hợp cụ thể. Trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập chi tiết cách điều trị cho từng loại biến chứng được vì khá phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như các xét nghiệm đặc thù trước khi đưa ra quyết định hợp lý.
ThS.BS Nguyễn Huy Cường
Bình luận