Bệnh tiểu đường và mãn kinh: Thách thức kép của phụ nữ
1. Ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh lên người bệnh tiểu đường
Mãn kinh là thuật ngữ mô tả sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt, thường diễn ra vào khoảng tuổi 50. Trong thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố nữ estrogen suy giảm, dẫn tới sự thay đổi hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể người phụ nữ.
Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà sự thay đổi và thích nghi với thời kỳ mãn kinh là khác nhau. Nhưng, đa số các trường hợp đều phải trải qua các triệu chứng: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo. Đối với những phụ nữ có bệnh tiểu đường, sự thay đổi nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và làm tăng nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Sự thay đổi của cơ thể trong thời kỳ mãn kinh tác động tiêu cực đến việc kiểm soát tiểu đường
Một số tác động của thời kỳ mãn kinh đến quá trình điều trị bệnh tiểu đường:
- Khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết: Các hormon estrogen và progesteron có ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của insulin với tế bào. Vào thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi trong nồng độ hormon này có thể gây biến động hàm lượng đường trong máu. Cụ thể, bạn có thể nhận thấy chỉ số đường huyết biến thiên và khó dự đoán hơn so với thời điểm trước. Khi đường huyết không được kiểm soát, lên hoặc xuống thất thường sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
- Tăng cân: Đây là vấn đề thường gặp ở độ tuổi mãn kinh, làm tăng nhu cầu sử dụng insulin hoặc thuốc đường uống điều trị bệnh tiểu đường.
- Nhiễm trùng: Khi mắc bệnh tiểu đường đã làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và âm đạo. Nhưng nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi trong thời kỳ mãn kinh do sự suy giảm estrogen.
- Khó ngủ: Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm trong thời kỳ mãn kinh có thể gây mất ngủ. Điều này tác động tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết.
- Rối loạn chức năng tình dục: Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm tổn hại các dây thần kinh chi phối hoạt động kích thích và đạt cực khoái ở phụ nữ. Bên cạnh đó, lượng estrogen suy giảm khiến niêm mạc âm đạo mỏng và khô hơn, độ đàn hồi giảm và tiết dịch nhờn giảm. Sự thay đổi này có thể khiến phụ nữ đau, rát khi quan hệ, làm họ mất hết hứng thú, thậm chí còn sợ hãi chuyện chăn gối.
Cách khắc phục rắc rối trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
Mặc dù những rắc rối của thời kỳ mãn kinh có ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả điều trị bệnh tiểu đường, nhưng vẫn có những giải pháp có thể giúp một phần nào đó làm giảm sự thiệt hại này.
- Lối sống lành mạnh: Chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên là nền tảng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Đồng thời, một lối sống lành mạnh cũng giúp giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Lối sống lành mạnh là nền tảng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường
- Đo đường huyết thường xuyên: Khi đến thời kỳ mãn kinh, cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn so với bình thường, kể cả ngày và đêm. Bạn nên ghi chép lại kết quả sau mỗi lần đo, kèm theo triệu chứng lúc đó. Bác sỹ có thể sử dụng những thông tin này để điều chỉnh liều lượng thuốc trị tiểu đường nếu thấy cần thiết.
- Hỏi ý kiến bác sỹ về việc điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường: Sau khi theo dõi, nếu thấy đường huyết tăng lên, bạn có thể cần tăng liều lượng thuốc điều trị hoặc phối hợp thêm thuốc khác. Tương tự, nếu đường huyết trung bình bị giảm, bạn cần giảm liều thuốc điều trị.
- Cân nhắc sử dụng thuốc hạ cholesterol máu: Rối loạn chuyển hóa chất đường, kéo theo rối loạn chuyển hóa chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ở phụ nữ, nguy cơ này tăng cao hơn khi đến thời kỳ mãn kinh. Để giảm nguy cơ, bác sỹ có thể cân nhắc cho bạn dùng thêm thuốc hạ cholesterol máu.
- Điều trị các triệu chứng mãn kinh: Nếu bạn đang phải “vật lộn” với những cơn bốc hỏa, khô âm đạo, rối loạn chức năng tình dục hoặc các triệu chứng mãn kinh khác, hãy áp dụng các phương pháp điều trị có sẵn. Chẳng hạn, chất bôi trơn âm đạo giúp làm giảm đau, rát khi quan hệ hoặc sử dụng liệu pháp estrogen tại chỗ giúp cải thiện tình trạng teo âm đạo. Bác sỹ cũng có thể đề nghị liệu pháp hormone thay thế (thuốc dạng viên uống, miếng dán trên da hoặc dạng kem bôi ngoài da chứa estrogen kèm theo với progesteron) để làm giảm bớt các triệu chứng mãn kinh.
Bệnh tiểu đường qua thời kỳ mãn kinh có thể là một thách thức kép. Vì vậy, bạn nên tìm sự giúp đỡ của bác sỹ, trao đổi với người thân để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes/art-20044312?pg=2
http://www.diabetes.co.uk/menopause-and-diabetes.html
Bình luận