Nên làm gì khi bị chẩn đoán tiền tiểu đường?
Tiền tiểu đường được chẩn đoán khi mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đến ngưỡng tiểu đường. Tiền tiểu đường còn có các tên gọi khác như: rối loạn đường huyết lúc đói (IFG – đường huyết cao hơn bình thường trước bữa sáng), kháng insulin (cơ thể không sử dụng được insulin một cách hiệu quả), rối loạn dung nạp glucose (IGT – đường huyết cao hơn bình thường sau khi ăn). Nếu bạn bị chẩn đoán tiền tiểu đường và không làm gì cả, bệnh tiểu đường có thể “kéo đến” sau 10 năm.
Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết cao nhưng chưa đến ngưỡng tiểu đường
Tiền tiểu đường - những thông tin quan trọng
Tiền tiểu đường gây ra bởi tình trạng kháng insulin, tức là các tế bào trong cơ thể không đáp ứng với hormone insulin do tuyến tụy sản xuất. Insulin có nhiệm vụ đưa đường glucose từ máu vào trong tế bào để sử dụng làm năng lượng, giúp hạ thấp lượng đường trong máu. Nguyên nhân của tình trạng kháng insulin chưa được biết rõ ràng nhưng có liên quan đến lối sống và yếu tố di truyền.
Tiền tiểu đường thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được chẩn đoán chính xác thông qua xét nghiệm đặc hiệu. Các chuyên gia khuyến cáo nên sàng lọc tiểu đường từ 45 tuổi hoặc sớm hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ, bao gồm: BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 25, tích tụ nhiều mỡ vùng bụng, ít vận động, có người thân bị bệnh tiểu đường, đã từng sinh con trên 4kg, tiểu đường thai kỳ…
Nên làm gì khi bị chẩn đoán tiền tiểu đường?
Tiền tiểu đường cần được điều trị để ngăn ngừa tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ cũng như các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.
Thay đổi lối sống điều trị tiền tiểu đường
Lối sống lành mạnh đẩy lùi tiền tiểu đường
Thay đổi lối sống là cách hiệu quả để đảo ngược tình trạng tiền tiểu đường hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh thường được khuyến cáo:
- Duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm cân
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ (nếu có)
Một số phương pháp điều trị thay thế bao gồm thiền định, châm cứu, sử dụng thực phẩm chức năng, chỉ nên sử dụng khi được sự đồng ý của bác sỹ bởi chúng có thể tương tác với thuốc điều trị tiền tiểu đường.
Ăn uống đúng cách
Chế độ ăn ít carbohydrate giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, kháng insulin và cân nặng.
Tuy nhiên, chế độ ăn carbohydrate thấp không được khuyến khích cho những người có cholesterol cao hoặc mắc bệnh tim. Tốt hơn hết, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng trước.
Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều cá béo chứa omega 3 (chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ), rau, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc. Nên ăn ít hơn 1500mg natri mỗi ngày, hạn chế rượu (không uống hoặc uống dưới 1 ly mỗi ngày), ăn ít các loại thực phẩm ngọt hoặc chứa chất béo không lành mạnh. Chế độ ăn Địa Trung Hải có đầy đủ các đặc điểm nêu trên.
Tập thể dục nhiều hơn
Thường xuyên vận động, tập thể dục giúp giảm nguy cơ tiểu đường và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ba mươi phút vận động làm tăng nhịp tim mỗi ngày (chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, tham gia một môn thể thao giải trí), đặc biệt hữu ích cho những người có tiền tiểu đường.
Theo Hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), một lối sống lành mạnh cho tim gồm 30 phút tập thể dục mỗi này và giảm 5 – 10% cân nặng giúp giảm tới 58% nguy cơ tiến trển bệnh tiểu đường type 2.
Bạn không nên quá lo lắng khi bị chẩn đoán tiền tiểu đường bởi bạn hoàn toàn có thể “sửa sai”, lấy lại sức khỏe cho mình bằng một lối sống lành mạnh, năng động.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
http://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/what-is-prediabetes#2
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/home/ovc-20270022
Bình luận