Hiện nay, tiêm insulin đang được chỉ định phổ biến cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 không đáp ứng tốt với thuốc đường uống hoặc mức đường huyết quá cao. Do tác dụng hạ đường huyết của thuốc này tương đối tốt nên nhiều người mới dùng hoặc có chế độ ăn uống quá kiêng khem, tập thể dục gắng sức sẽ bị tụt đường huyết. Hãy xem chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết cũng như xử trí khi bị hạ đường huyết.

Câu hỏi: Tôi năm nay 56 tuổi, bị tiểu đường hiện đang tiêm insulin ngày 2 lần. Mấy hôm nay tôi hay bị chóng mặt, mệt mỏi, đói cồn cào, trống ngực,… khi đó người nhà đo đường huyết cho khoảng 65 – 70mg/dL. Không biết có phải do tôi tiêm insulin nên bị hạ đường huyết không và xử trí như thế nào? Xin cảm ơn bác sỹ rất nhiều!

Giải đáp của chuyên gia:

Theo thống kê, người tiểu đường bị hạ đường huyết nặng trung bình 1,15 lần/năm; hạ đường huyết nhẹ 16,37 lần/năm. Hạ đường huyết là đường huyết xuống mức < 70mg/dL, nặng hơn nữa là ≤ 50mg/dL. Đây là một trong những tác dụng phụ khi tiêm insulin nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra, chẳng hạn như: Ăn ít hơn so với nhu cầu của cơ thể, hoạt động nhiều hơn bình thường, tiêm insulin quá liều/sai kỹ thuật (không véo da, ấn quá sâu…) hoặc phối hợp các thuốc điều trị đái tháo đường chưa đúng…

 Ha-duong-huyet-la-mot-trong-nhung-tac-dung-phu-khi-tiem-insulin-o-nguoi-tieu-duong

Hạ đường huyết là một trong những tác dụng phụ khi tiêm insulin ở người tiểu đường

Các dấu hiệu mà bạn đang gặp phải là triệu chứng hạ đường huyết điển hình:

+ Đói cồn cào, mệt mỏi

+ Tim đập nhanh, run rẩy, trống ngực và toát mồ hôi lạnh

+ Đau đầu, lú lẫn, thay đổi tính tình.

+ Hạ đường huyết nặng: Hôn mê sâu, rối loạn ý thức, thậm chí dẫn đến tử vong.

Một số người tiểu đường bị hạ đường huyết nhẹ không có triệu chứng rõ rệt nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người bệnh đột ngột hôn mê.

Khi có các dấu hiệu trên, bạn nên kiểm tra đường huyết bằng máy cầm tay. Trường hợp nhẹ, còn tỉnh táo, bạn nên ăn/uống ngay đồ có đường như bánh ngọt, hoa quả, nước ép trái cây.  Nếu không đỡ cần uống tối thiểu 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 thìa đường pha trong 100ml nước). Sau 15 phút xét nghiệm lại đường máu, nếu đường máu còn thấp điều trị lặp lại. Trong trường hợp nặng, bạn cần nhờ người gọi xe cứu thương hoặc đưa đi cấp cứu ngay.

Để phòng ngừa hạ đường huyết, bạn cần tiêm insulin đúng chỉ định, đúng kỹ thuật. Xem thêm về tại bài viết sau đây:

http://www.dongtay.net.vn/dai-thao-duong/409-ky-thuat-tiem-insulin.html.

Đồng thời, bạn cần ăn đủ nhu cầu của cơ thể (nếu hoạt động nhiều cần ăn thêm) và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ.

Chúc bạn sức khỏe!

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận