Các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường xảy ra đột ngột trong thời ngắn, và rất dễ tử vong, đòi hỏi bệnh nhân phải được đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay lập tức. Có hai biến chứng cấp tính thường gặp. Thứ nhất là đường huyết tăng cao quá mức, do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối, dẫn đến hôn mê. Thứ hai là hạ đường huyết đột ngột, do quá liều insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác.
1. Tăng đường huyết
Hôn mê do nhiễm toan ceton – thường gặp ở tiểu đường typ 1
Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường typ 1, insulin là thuốc điều trị bắt buộc và không thể thiếu. Khi insulin thiếu, glucose không vào được tế bào để tham gia chu trình chuyển hóa, cuối cùng dẫn đến acetyl coA (sản phẩm của quá trình thoái biến từ acid béo) ko thể đi vào chu trình Krebs được mà phải chuyển thành ceton, khiến nồng độ ceton tăng cao trong máu.
Nhiễm toan ceton có thể xảy ra khi nhiễm trùng, căng thẳng, hoặc chấn thương làm tăng nhu cầu insulin của cơ thể. Ngoài ra, không đủ liều insulin cũng là một yếu tố nguy cơ. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton bao gồm buồn nôn, nôn và đau bụng, hơi thở có mùi chua.
Hôn mê do nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường typ 1
Khi đó phải ngay lập tức cấp cứu tại một cơ sở y tế chuyên khoa, điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch bù nước, và điện giải, đồng thời tiêm insulin. Nếu được cấp cứu kịp thời, đường huyết sẽ nhanh chóng ổn định, bệnh nhân có thể phục hồi khá tốt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể nhanh chóng đi vào hôn mê, thậm chí tử vong. Trong trường hợp nhiễm toan ceton do các bệnh nhiễm trùng, sử dụng thêm thuốc kháng sinh.
Hôn mê do tăng đường huyết ở tiểu đường typ 2
Ở những bệnh nhân bị tiểu đường loại 2, các yếu tố như stress, nhiễm trùng, và một số loại thuốc (như corticosteroids) cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao bất thường. Mức đường máu cao kèm theo mất nước làm gia tăng độ thẩm thấu, tình trạng này có thể ngày càng trầm trọng hơn và dẫn đến hôn mê (hôn mê thẩm thấu), thường xảy ra ở những bệnh nhân cao tuổi. Giống như hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê thẩm thấu là tình trạng cấp tính, cần lập tức điều trị ngay với truyền dịch tĩnh mạch và insulin.
Hôn mê thẩm thấu thường gặp ở tiểu đường typ 2, ở những bệnh nhân lớn tuổi có tổng thể bệnh nặng hơn, nên các biến chứng và tỷ lệ tử vong trong hôn mê thẩm thấu sẽ cao hơn trong nhiễm toan ceton.
2. Hạ đường huyết
Hạ đường huyết gây ra triệu chứng mệt mỏi, vã mồ hôi
Hạ đường huyết có nghĩa là lượng đường (glucose) trong máu thấp bất thường (thường xảy ra khi lượng đường máu thấp hơn 65 mg/dl). Các triệu chứng hay gặp là toàn thân mệt mỏi, vã mồ hôi, run, lo âu, mờ mắt, nhức đầu, cáu kỉnh. Nếu không điều trị, lượng đường trong máu bị thấp có thể dẫn đến hôn mê, co giật, và trong trường hợp xấu, gây chết não (do glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính của não) dẫn đến tử vong, thường xảy ra khi đường huyết < 40 mg / dl.
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mức đường trong máu thấp là sử dụng quá liều insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết. Đôi khi, hạ đường huyết có thể là kết quả của việc thiếu calo hoặc vận động gắng sức quá mức.
Để điều trị hạ đường huyết, nên sử dụng một nguồn glucose hấp thụ nhanh chóng. Bao gồm các đồ uống có chứa glucose, chẳng hạn như nước cam, nước giải khát, hoặc glucose viên với liều 15-20 gram (tương đương với nửa ly nước trái cây). Nếu bệnh nhân bị bất tỉnh, có thể sử dụng glucagon bằng cách tiêm bắp. Glucagon là một hormone gây giải phóng glucose từ gan. Glucagon được coi như một phao cứu sinh, và mỗi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đã có tiền sử của hạ đường huyết (đặc biệt là những người dùng insulin) nên có một bộ glucagon. Gia đình và bạn bè của những người bị bệnh tiểu đường cần phải được dạy làm thế nào để quản lý và sử dụng glucagon, vì rõ ràng là bệnh nhân sẽ không thể tự làm điều đó trong một tình huống khẩn cấp.
Ds. Đông Tây
Bình luận