Chứng trầm cảm ở người bệnh tiểu đường
Cũng như nhiều bệnh mạn tính khác, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị trầm cảm tăng cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Các số liệu nghiên cứu của các bác sĩ Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103 cho thấy, có đến 95% số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện 103 có biểu hiện trầm cảm mức độ nhẹ và vừa, một số bệnh nhân có trầm cảm mức độ nặng vì họ hay bị căng thẳng dài hạn. Tiểu đường và trầm cảm được xem như một vòng bệnh lí luẩn quẩn, tác động và làm tăng nặng lẫn nhau. Sống chung với một căn bệnh mạn tính không thể chữa khỏi như tiểu đường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi phát hiện mắc bệnh hoặc tại những thời điểm "thăng trầm" trong quá trình bị bệnh, người bệnh thường có cảm giác chán nản, vô vọng, cô đơn, bơ vơ, mệt nhọc, cáu gắt, thay đổi giấc ngủ và hành vi ăn uống, dần dần dẫn đến trầm cảm. Những người bệnh tiểu đường bị trầm cảm sẽ ít có khả năng tự chăm sóc bản thân và kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường của họ, vì thế có thể làm thúc đẩy nhanh quá trình sinh biến chứng và tăng nguy cơ tử vong.
Hoạt động thể chất giúp cải thiện chứng trầm cảm ở người bệnh ĐTĐ
Các biểu hiện trầm cảm của bệnh nhân tiểu đường:
Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều. Những người đái tháo đường typ1 hay mất ngủ đầu giấc. Họ rất khó để đi vào giấc ngủ. Có khi phải nằm trằn trọc 2-3 tiếng đồng hồ trên giường thì mới ngủ được. Còn bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thì hay mất ngủ cuối giấc. Nghĩa là họ vẫn đi ngủ tương đối dễ, nhưng đến tầm 2-3 giờ sáng thì tỉnh giấc và không sao ngủ lại được.
Cảm giác mệt mỏi, uể oải, mất năng lượng, mất sinh lực, đặc biệt là các bệnh nhân có mức đường huyết không ổn định. Triệu chứng mệt mỏi ở bệnh nhân có trầm cảm thường là mệt về buổi sáng, nhất là sau khi ngủ dậy. Đến trưa và chiều thì biểu hiện mệt mỏi giảm đi rõ rệt.
Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều; mất hứng thú và sự quan tâm trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí. Luôn có cảm giác buồn rầu, buồn bã hoặc bực bội khó chịu.
Có ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng, là gánh nặng cho gia đình hoặc tự buộc tội bản thân, bệnh nhân muốn chết để kết thúc. Tuy nhiên, hành vi tự sát lại hiếm gặp hơn rất nhiều, nghĩa là bệnh nhân đái tháo đường ít khi tự sát.
Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo hoặc xem truyền hình. Mặt khác, các bệnh nhân này có trí nhớ gần rất kém. Họ hay quên đồ đạc, quên những việc cần phải làm.
Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường. Thường xuyên lo lắng về những rối loạn trong cơ thể của mình (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, nôn, đổ mồ hôi, đau cơ...). Hay gặp nhất là đau đầu, đau khớp, đau bộ phận sinh dục, đau bụng, đau chân, tay… Các triệu chứng này cản trở nhiều khả năng lao động và sinh hoạt của bệnh nhân.
Giúp bệnh nhân tiểu đường thoát khỏi trầm cảm
Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ nếu họ cảm thấy chán nản, các bác sĩ sẽ tìm ra những dấu hiệu của trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường. Với những người có bệnh tiểu đường và trầm cảm nhẹ, việc hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện tâm trạng chán nản và cũng giúp kiểm soát mức độ đường trong máu.
Các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cần sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và chăm sóc y tế. Người bệnh ĐTĐ nên chia sẻ cảm xúc với gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh ĐTĐ và thực hiện chế độ ăn cũng như các chế độ điều trị, luyện tập một cách nghiêm ngặt. Hãy linh động và học cách thích ứng với những yêu cầu trong quá trình điều trị, bởi bệnh có thể có những tiến triển không như mong muốn. Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ thay đổi hay tổn thương nào trong cơ thể. Đồng thời người bệnh cũng phải thay đổi những hành vi có hại cho việc điều trị và cuộc sống của mình như: ăn nhiều, ít vận động,… để cải thiện tâm lý cũng như tình trạng bệnh, giúp thoát khỏi trầm cảm khi bị đái tháo đường.
DS. Thu Thảo
Bình luận