Phòng tránh tai biến cho người bệnh đái tháo đường
Tai biến mạch máu não là sự rối loạn tuần hoàn não dưới dạng cấp tính, bệnh xuất hiện đột ngột trong vài giây hoặc có thể xuất hiện nhanh trong vài giờ với các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, liệt chi, mất ngôn ngữ, mất phản xạ, xuất huyết não... Người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời, nếu qua khỏi thì tuổi thọ cũng suy giảm và hạn chế nhiều chức năng khác của cơ thể, thậm chí tàn phế. Tai biến mạch máu não là nỗi lo chung của người lớn tuổi, với những người mắc bệnh tiểu đường, nỗi lo này còn lớn hơn bởi nguy cơ bị tai biến của nhóm đối tượng này cao hơn rất nhiều so với bình thường.
Tại sao người bệnh Đái tháo đường có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não?
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não đó là tăng huyết áp (THA) – một bệnh lý cơ hội thường gặp ở người bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ). Theo một báo cáo, tỷ lệ THA ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 1,5 -3 lần so với nhóm không bị ĐTĐ. Đối với ĐTĐ typ1, THA xảy ra sau nhiều năm. Đối với bệnh nhân ĐTĐ typ2, THA là vấn đề thường gặp và sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bệnh có biến chứng ở thận.
Bệnh tiểu đường có thể gây tai biến mạch máu não
ĐTĐ làm cho quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn ở người bình thường, những cục huyết khối hình thành trong lòng động mạch hay các mảng xơ vữa làm tắc lòng động mạch là nguyên nhân làm cho máu và oxy không đến nuôi dưỡng được các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Đây không chỉ là lý do dẫn đến tắc mạch máu não, phình vỡ mạch máu não mà còn gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim... Hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ thường bị nhiễm mỡ máu, có lượng cholesterol trong máu vượt quá khả năng cho phép, nhất là loại cholesterol xấu có hại (LDL-c) làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ tai biến mạch máu não càng cao.
Lời khuyên để phòng tránh tai biến cho người bệnh Đái tháo đường
- Kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp và mỡ máu: Tiểu đường làm gia tăng các nguy cơ tim mạch như mỡ máu cao, huyết áp cao lên 3-4 lần, và hậu quả cuối cùng là tai biến. Vì vậy người bệnh phải thường xuyên theo dõi huyết áp, định kì kiểm tra mỡ máu 2-3 tháng/lần. Nếu có dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay với bác sĩ.
- Duy trì mức đường huyết ổn định: Cụ thể glucose lúc đói nhỏ hơn hoặc bằng 7mmol/lit (<126mg/dl); glucose huyết sau ăn nhỏ hơn hoặc bằng 10 mmol/l; HbA1C < 6,2%. Đường huyết càng ổn định thì nguy cơ tai biến càng thấp. Để thực hiện được điều này không dễ dàng, đòi hỏi người bệnh phải kết hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn uống nghiêm ngặt, vận động thể chất đều đặn và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tập thể dục khoa học: Người bệnh duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Buổi sáng nên xoa tay, xoa chân cho ấm rồi mới bước xuống giường, khởi động khoảng 15 phút trong nhà cho ấm người rồi mới tập ở ngoài trời. Khi tập vẫn nên mặc quần áo dài tay lúc nào cơ thể nóng lên có thể cởi bớt dần áo ra.
- Chú ý các dấu hiệu cảnh báo tai biến: Như nhức đầu dữ dội, đột ngột; chóng mặt ù tai choáng váng; đột nhiên làm rơi đồ vật đang cầm, hoặc đột ngột mất định hướng trong vài phút. Cả người bệnh và người nhà cần nằm vững các dấu hiệu này để xử trí kịp thời, thời gian cấp cứu càng nhanh thì khả năng phục hồi càng cao.
Tai biến là hệ quả của một loạt các biến chứng tim mạch như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch. Cách tốt nhất để tai biến không ghé thăm là người bệnh cần phải có các biện pháp chủ động phòng ngừa từ sớm những biến chứng của Đái tháo đường.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận