Đái tháo đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó biến chứng trên hệ thống tim mạch thường hay gặp nhất.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì ĐTĐ hiện nay là nguyên nhân gây ra tử vong đứng vào hàng thứ 4 ở các nước đang phát triển.

Ở Việt Nam theo những thống kê về dịch tễ học cho thấy bệnh ĐTĐ gia tăng trong vòng 10 năm qua, ở những năm 90 của thế kỷ 20, tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ typ 2 ở Tp. HCM là 2.5% dân số thì đến nay đã tăng lên 4.4 %, một tốc độ kỷ lục trong các loại bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, trong đó phải kể đến sự thay đổi của chế độ ẩm thực với quá nhiều đường kèm theo những loại đồ uống có cồn và sự tăng cân quá mức do ít vận động… Đây được xem là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh ĐTĐ.

ĐTĐ và tim mạch

bien-chung-tim-mach-do-dai-thao-duongTheo các chuyên gia Y học, thông thường những bệnh nhân mắc ĐTĐ khoảng 5 năm sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện về bệnh tim mạch đi kèm. Sự kết hợp của ĐTĐ và tim mạch làm cho tỉ lệ tử vong ở người bệnh tăng lên gấp 3 lần so với người bệnh tim mạch đơn thuần.

Bệnh nhân ĐTĐ typ 2 rất dễ bị xơ vữa động mạch và các tổn thương này thường lan tỏa tới nhiều vùng như động mạch vành, động mạch thận, động mạch não và động mạch tứ chi… gây khó khăn trong điều trị. Ở những bệnh nhân này, thành động mạch sẽ mất đi tính co giãn; các mảng xơ vữa giòn và dễ vỡ, gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận mạn tính.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những người bị ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với người bình thường. Tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐ bị nhồi máu cơ tim tăng từ 45% lên đến 75% trong vòng 10 năm qua.

Phát hiện sớm bệnh tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ

Ở Việt Nam, phần lớn các bệnh nhân ĐTĐ đều không biết mình đang bị bệnh tim mạch đi kèm. Chính vì tâm lý chủ quan như vậy nên họ không điều trị triệt để bệnh ĐTĐ và không chịu khám tim mạch ở thầy thuốc chuyên khoa để phát hiện và điều trị sớm bệnh.

Những biểu hiện đầu tiên của bệnh tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ là các rối loạn về chuyển hóa chất béo. Bệnh nhân nên điều trị sớm các rối loạn này bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bỏ thuốc lá và rèn luyện thân thể, có thể sử dụng các loại thuốc điều chỉnh mỡ máu nếu cần thiết… Và quan trọng nhất là phải khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm những rối loạn về tim mạch đi kèm với ĐTĐ.

Các phương pháp điều trị cơ bản

Các phương pháp điều trị cơ bản bao gồm kiểm soát tốt đường huyết, bỏ thuốc lá, điều trị rối loạn mỡ máu, có chế độ dinh dưỡng khoa học… Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều hiểu mơ hồ rằng những loại thuốc và những phương pháp điều trị sẽ chữa khỏi được bệnh ĐTĐ. Nhưng thật ra đó là một quan niệm không tưởng và rất nguy hiểm cho bệnh nhân, bởi khi thấy đường huyết tạm ổn định họ lại không tiếp tục điều trị. Một thời gian sau, các biến chứng xuất hiện và khi đó đã quá muộn để có một phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

ĐTĐ là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có chặn đứng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, các thuốc kiểm soát đường huyết sử dụng mỗi ngày và cần phải theo dõi nhằm phát hiện sớm các biến chứng về mạch máu để có thể có được phương thức điều trị tốt nhất.


PGS. TS Nguyễn Hoài Nam
Trích từ: Báo “Sức khỏe & đời sống” số 807 ngày 20/06/2014

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận