Các chỉ số cần lưu ý đối với người bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết: là chỉ số được tiến hành đầu tiên đối với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và giúp đánh giá, tiên lượng tình trạng bệnh. Đường huyết tăng giảm thất thường là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng tiểu đường, do vậy kiểm soát và duy trì đường huyết ổn định là mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị bệnh ĐTĐ. Hai chỉ số xét nghiệm đường huyết quan trọng nhất là đường huyết hàng ngày và HbA1c.
- Chỉ số đường huyết hàng ngày: Giúp xác định nồng độ glucose trong máu ngay tại thời điểm đo, thường đo vào lúc đói (buổi sáng sau nhịn ăn 8h) và sau khi ăn 1h, 2h. Việc kiểm tra đường huyết hàng ngày giúp người bệnh có ý thức điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập; đồng thời giúp phát hiện sớm biến chứng hạ đường huyết để có biện pháp xử lý kịp thời hay đánh giá hiệu quả của thuốc hạ đường huyết. Đối với người bệnh phải sử dụng insulin, theo dõi đường huyết hàng ngày giúp điều chỉnh liều phù hợp với tình trạng bệnh.
Người bệnh nên duy trì đường huyết hàng ngày trong khoảng giới hạn cho phép để phòng ngừa các biến chứng do ĐTĐ: Lúc đói: < 7,0 mmol/l và sau ăn: < 11,0 mmol/l.
- Chỉ số HbA1c: là chỉ số đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết trong 3 tháng và không bị ảnh hưởng hay thay đổi hàng ngày bởi chế độ ăn uống, luyện tập như chỉ số đường huyết hàng ngày. Do vậy, có thể đánh giá được hiệu quả điều trị và mức độ kiểm soát đường huyết của người bệnh. Giảm 1% chỉ số HbA1c có thể giảm được 38% nguy cơ biến chứng tim mạch, 72% nguy cơ mù lòa. Người bệnh nên định kỳ 3 tháng kiểm tra chỉ số HbA1c một lần và duy trì dưới 7% sẽ giúp giảm 20% nguy cơ mắc biến chứng do ĐTĐ.
Tuy nhiên, chỉ số HbA1c có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: thiếu vitamin C và E, mỡ máu cao, phụ nữ có thai, bệnh lý gan, thận, nhiễm độc niệu, hội chứng Cushing, hội chứng buồng chứng đa nang, tăng triglycerid, sử dụng thuốc corticoid, nghiện rượu mãn tính... Bởi vậy, người bệnh cần thông báo với bác sỹ nếu mắc một số trong số các tình trạng trên để loại trừ các yếu tố nguy cơ, giúp có chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá chức năng cơ quan
Người bệnh có thể tự nhận biết như các biến chứng thần kinh tự chủ: tê bì, châm chích chân tay, da khô, tổn thương bàn chân, rối loạn cương… Tuy nhiên, các biến chứng trên tim, thận, mắt, não chỉ có thể phát hiện sớm qua các xét nghiệm đánh giá chức năng.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng sau giúp chẩn đoán sớm các biến chứng bệnh:
Xét nghiệm sinh hóa máu tự động
- Sinh hóa máu: Phân tích, định lượng chỉ số mỡ máu, bao gồm: cholesterol toàn phần, HDL – c, LDL – c, triglyceride giúp đánh giá nguy cơ biến chứng trên tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim... Ngoài ra, còn có chỉ số cretinin giúp đánh giá chức năng lọc của thận, mức độ tổn thương cầu thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp đánh giá chức năng thận và có thể phát hiện sớm các tổn thương, quan trọng nhất là chỉ số albumin niệu. Các xét nghiệm nên được sớm tiến hành đối với người mắc ĐTĐ typ1 từ 3 – 5 năm khởi phát bệnh và làm ngay tại thởi điểm được chẩn đoán đối với bệnh ĐTĐ typ2.
- Kiểm tra thị lực: Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây ra mù lòa hàng đầu, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Do vậy, những người đã được chẩn đoán ĐTĐ nên ít nhất 6 tháng một lần kiểm tra thị lực và võng mạc. Khi xuất hiện các triệu chứng như nhìn mờ, nhìn đôi, xuất hiện những điểm đen trước mắt… có nghĩa là người bệnh đã có tổn thương ở mắt, cần sớm thăm khám để có phương pháp điều trị kịp thời.
- Siêu âm mạch cảnh, mạch chân: có thể phát hiện sớm các tổn thương ở mạch máu. Tổn thương mạch máu lớn gây biến chứng não, dẫn đến tai biến não, đột quỵ và tổn thương mạch máu nhỏ gây biến chứng trên tim, thận, mắt, ngoại vi. Bảo vệ tế bào mạch máu, nội mạc giúp cải thiện, phòng ngừa các biến chứng do ĐTĐ và là mục tiêu đang được hướng đến trong điều trị bệnh ĐTĐ.
Xét nghiệm các chỉ số giúp đánh giá chính xác chức năng của các cơ quan, nội tạng, từ đó có thể phát hiện sớm các biến chứng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Bởi vậy, người bệnh nên định kỳ ít nhất 3 – 6 tháng tiến hành các xét nghiệm một lần.
Ds. Đông Tây
Bình luận