Levodopa và lưu ý sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson đặc trưng bởi sự chết đi của các tế bào não sản xuất và giải phóng ra chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát và phối hợp vận động là dopamin. Các dạng thuốc như dopamin đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch sẽ không mang lại hiệu quả điều trị nếu sử dụng, bởi chất này sẽ bị phá hủy tại các cơ quan trước khi vận chuyển đến não. Chính vì vậy, người ta sẽ đưa vào cơ thể một dạng tiền chất của dopamin là levodopa.
Levodopa mang lại lợi ích gì cho người bệnh Parkinson
Sau khi qua hàng rào máu não, levodopa được chuyển thành dopamin và lưu trữ trong các bọc thần kinh để sử dụng khi cần thiết, cho phép cải thiện chức năng của các trung tâm kiểm soát vận động. Chính vì vậy, thuốc này có hiệu quả làm giảm các triệu chứng run và rối loạn vận động khác xảy ra từ giai đoạn đầu, giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng sống cho những người mắc Parkinson. Nhiều người thường thấy sự cải thiện đáng kể sau khi bắt đầu điều trị bằng levodopa, khiến họ quên đi việc mình đang mắc bệnh Parkinson
Tuy nhiên, không phải tất cả các triệu chứng đều có đáp ứng tốt với levodopa. Nó thường có hiệu quả nhất với triệu chứng chậm vận động và co cứng cơ, còn tình trạng run, giảm khả năng giữ thăng bằng hay các triệu chứng không thuộc về vận động có thể không giảm khi dùng levodopa.
Các biệt dược hiện nay của levodopa
Levodopa có thể dùng một mình, nhưng hiện nay nó thường được kết hợp với 1 loại thuốc “bảo vệ” là carbidopa hoặc benserazide để làm tăng hiệu quả điều trị. Các chất này ngăn chặn sự phân hủy levodopa trước khi vào hàng rào máu não, nhờ đó giảm được liều levodopa xuống dưới 80% so với bình thường và hạn chế các tác dụng phụ như nôn, buồn nôn.
Levodopa/carbidopa được bào chế dưới dạng viên nén thường, phóng thích nhanh, viên đặt dưới lưỡi (Sinemet, Atamet, Parcopa), viên nang giải phóng chậm (Sinemet CR) hoặc dung dịch bơm trực tiếp vào ruột non (Duopa).
Sinemet - Một dạng phối hợp của Levodopa và Carbidopa
Levodopa/ benserazide được bào chế dưới dạng viên nén thường hoặc viên nang phóng thích chậm (Madopar) dùng cho người bệnh Parkinson giai đoạn sau.
Hướng dẫn sử dụng levodopa hiệu quả
Uống thuốc vào thời điểm nào? Uống như thế nào?
- Protein sẽ cạnh tranh hấp thu với levodopa, do đó không sử dụng thuốc cùng thức ăn giàu đạm như thịt bò, thịt lợn, tôm, cua... Tuy nhiên, thuốc này gây kích ứng dạ dày và gây buồn nôn khi uống lúc đói, nên người bệnh có thể ăn nhẹ vài chiếc bánh quy cùng 1 cốc trà gừng trước đó. Sau một thời gian, khi cơ thể đã quen với việc dùng thuốc, nên uống Levodopa hoặc Sinemet trước bữa ăn 30-60 phút để thuốc được hấp thu tối đa.
- Liều levodopa sẽ khác nhau đối với mỗi người bệnh, vì vậy hãy tuân theo chỉ định trong đơn của bác sỹ, đồng thời nên phân bổ đều thời gian sử dụng trong ngày để đảm bảo nồng độ dopamin luôn đồng đều, khoảng 3-4 lần/ngày. Nên nuốt cả viên thuốc, không được nghiền nhỏ hoặc nhai, trừ có hướng dẫn của bác sĩ.
- Một số người thường ngưng sử dụng thuốc trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi thuốc phát huy tác dụng. Vì vậy, đừng ngưng thuốc, ngay cả khi bạn nghĩ rằng nó không hiệu quả, thay vào đó hãy hỏi ý kiến bác sỹ điều trị.
- Khi tình trạng rối loạn vận động đã được cải thiện, người bệnh nên tăng cường hoạt động thể chất để điều chỉnh sự cân bằng và phối hợp, tuy nhiên cần tránh những bài tập dễ gây thương tích, té ngã.
Tương tác thuốc
Levodopa có thể có tương tác với các loại thuốc, thực phẩm, vitamin, thảo dược nhất định, vì vậy người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về nguy cơ tác thuốc nếu họ đang dùng bất cứ loại thuốc nào khác.
- Vitamin B6 làm giảm tác dụng của levodopa khi uống 1 mình, không có mặt carbidopa. Vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc chỉ có levodopa, nên tránh bổ sung vitamin B6 hoặc ăn thực phẩm giàu chất này như chuối, lòng đỏ trứng, lạc, ngũ cốc nguyên hạt…
- Sắt, thuốc kháng cholinergic như procyclidine, atropine, hyoscine, propantheline, orphenadrine, benzhexol, làm giảm hấp thu levodopa từ đường ruột, vì vậy hãy dùng chúng cách levodopa 2-3 giờ.
- Các thuốc có thể làm giảm tác dụng của levodopa: chủ yếu là các thuốc chống loạn thần (chlorpromazine , prochlorperazine , haloperidol, diazepam, phenytoin), chống trầm cảm (amitriptyline,imipramine) , thuốc kháng lao (isoniazid)
- Levodopa có thể dùng cùng với các loại thuốc khác trong điều trị bệnh Parkinson như kháng cholinergic, amantadine, chất chủ vận dopamine hoặc thuốc ức chế COMT, đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Vì vậy bác sỹ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc để đảm bảo tác dụng và hạn chế tối thiểu tác dụng phụ.
Tác dụng phụ của Levodopa và cách xử trí
- Rối loạn vận động: do thuốc làm tăng nồng độ dopamin trong não nên có thể gây co giật cơ, múa giật cánh tay và chân; chuyển động cơ ở chi, mặt, miệng, lưỡi và cổ, khó kiểm soát. Khi đó hãy hỏi ý kiến bác sỹ để được cân nhắc giảm liều hoặc được dùng thêm thuốc làm giảm cứng cơ.
- Hạ huyết áp tư thế: Chóng mặt, hạ huyết áp tư thế xảy ra khi mới bắt đầu dùng thuốc hoặc sử dụng cùng thuốc hạ huyết áp. Người bệnh nên thức dậy từ từ, nếu cảm thấy chóng mặt, hãy ngồi hoặc nằm xuống cho đến khi hết triệu chứng.
- Buồn ngủ: Phổ biến hơn ở người đã từng gặp phải tình trạng ngủ rũ vào ban ngày. Người đang dùng Levodopa nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc, thận trọng khi dùng cùng thuốc khác có tác dụng gây buồn ngủ hoặc rượu.
Buồn ngủ là dấu hiệu thường thấy ở người bệnh parkinson dùng levodopa
- Thay đổi tâm lý và nhận thức: Chán nản, nhầm lẫn, ảo giác hoặc có ý nghĩ bất thường, nghiện cờ bạc, mua sắm, tăng ham muốn tình dục và chứng cuồng dâm… xảy ra do tăng dopamin trong não khi dùng thuốc. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ khi có những dấu hiệu này trong quá trình dùng thuốc.
- Thay đổi màu sắc của nước tiểu và dịch tiết: nước tiểu, mồ hôi, nước bọt có màu đỏ. Đôi khi ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm đường huyết, nước tiểu, vì vậy trao đổi với bác sĩ xét nghiệm rằng bạn đang sử dụng levodopa.
- Ảnh hưởng chứa năng các cơ quan: Thuốc có thể gây loét dạ dày, nhịp tim nhanh, rối loạn về số lượng thành phần tế bào máu, tăng nhãn áp; vì vậy hãy thường xuyên kiểm tra chức năng gan, thận, máu, mắt và tim trong quá trình dùng.
- Hội chứng cai thuốc: Người bệnh không nên dừng đột ngột thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bởi họ có thể gặp phải biểu hiện như không thể di chuyển hoặc khó thở.
- Thận trọng: Khi dùng cho người bệnh gan, thận, loét dạ dày, răng nhãn áp, tiền sử bệnh tâm thần, đang dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần loại ức chế MAO trong 14 ngày qua, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Chống chỉ định: Cho người dưới 25 tuổi, bệnh tim, gan, thận nặng,
- Nhờn thuốc: Levodopa thường giảm dần hiệu quả sau khoảng 3-5 năm điều trị, vì vậy phải tăng liều hoặc kết hợp thêm thuốc khác để duy trì lợi ích tối đa. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sỹ về vấn đề này, không tự ý tăng liều để tránh những tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy một số hoạt chất sinh học từ thiên nhiên trong thảo dược Thiên ma, Câu đằng có thể hữu ích trong việc tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tình trạng nhờn thuốc xảy ra. Bởi chúng gián tiếp làm tăng lượng dopamin trong não, tạo nên tác dụng hiệp đồng để duy trì ổn định lượng dopamin trong não bộ của người bệnh Parkinson.
Mặc dù Parkinson không có cách chữa, nhưng levodopa đã giúp người bệnh rất nhiều trong việc cải thiện tình trạng rối loạn vận động, để trở về với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Nếu biết tuân thủ đúng chỉ định điều trị, tăng cường vận động thể chất, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và kết hợp các sản phẩm hỗ trợ điều trị từ thiên nhiên thì người bệnh hoàn toàn có thể chung sống lâu dài, khỏe mạnh, hạnh phúc và không còn sợ hãi mỗi khi nhắc đến căn bệnh mang tên Parkinson này nữa.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn:
Bình luận