Hội chứng Parkinson được mô tả lần đầu tiên vào năm 1817 bởi vị bác sĩ người Anh James Parkinson, nhưng cho đến nay nó vẫn là một thách thức đối với các nhà khoa học, bởi họ vẫn chưa thể tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm chứng bệnh này. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp hạn chế bệnh tiến triển và giảm thiểu các triệu chứng cho người bệnh.

Hội chứng parkinson là gì?

Hội chứng Parkinson là một thuật ngữ để chỉ chung tất cả các trường hợp rối loạn vận động có ba triệu chứng điển hình là run, giảm động và cứng đơ, do các nguyên nhân khác nhau gây nên.

Nguyên nhân gây hội chứng parkinson

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên hội chứng Parkinson, bao gồm:

- Hội chứng Parkinson nguyên phát: còn gọi là bệnh Parkinson, xảy ra do sự thoái hóa của các tế bào ở vùng liềm đen của não làm nhiệm vụ sản xuất Dopamin, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng làm nhiệm vụ kiểm soát các cử động và phối hợp của cơ bắp.

- Hội chứng Parkinson thứ phát: là mắc phải do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sử dụng thuốc an thần dài ngày, do chấn thương, tổn thương não hoặc do tổn thương mạch máu…

- Hội chứng Parkinson không điển hình: liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh khác, do có sự tích tụ của các protein bất thường trong tế bào não gây nên, như sa sút trí tuệ thể Lewy (Lewy body disease), liệt trên nhân tiến triển (Progressive supranuclear palsy),  thoái hóa hạch nền - vỏ não (Corticobasal degeneration), thoái hóa đa hệ thống (Multiple system atrophy)…

Tuổi tác, di truyền và việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại được biết đến là những yếu tố nguy cơ cao gây ra hội chứng Parkinson.

 Tiep-xuc-thuong-xuyen-voi-thuoc-tru-sau-diet-co-co-the-gay-hoi-chung-Parkinson

Tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu diệt cỏ có thể gây hội chứng Parkinson

Triệu chứng nhận biết sớm hội chứng parkinson

Ở giai đoạn đầu của hội chứng Parkinson, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sớm như mệt mỏi, vô cảm, ít linh hoạt,… Nhưng những dấu hiệu này thường ít được chú ý và dễ bị bỏ qua, cho đến giai đọan toàn phát, sẽ xuất hiện 3 triệu chứng chính bao gồm::

- Run: run khi nghỉ với tần suất khoảng 4 - 6 chu kỳ trong một giây, run giảm khi hoạt động.

- Cứng đơ: các cơ bắp bị cứng khiến người bệnh đi lại khó khăn, dáng người cúi về phía trước, bước đi nhỏ và rất dễ ngã. Người bệnh cũng sẽ có hiện tượng nói khó nói, thường  bị lắp các từ cuối, và khó viết, chữ viết nhỏ dần

- Giảm cử động: các động tác chủ động trở nên chậm chạp, kém linh hoạt và giảm các động tác tự động (như giảm vung vẩy tay khi đi lại).

Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác không thuộc về vận động như trầm cảm, sa sút trí tuệ, ảo thị và ảo thính, tăng tiết chất nhờn ở da, nuốt khó, táo bón,…

Chẩn đoán hội chứng parkinson

Để chẩn đoán hội chứng Parkinson đầu tiên các bác sĩ sẽ dựa trên các  triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh tật của bạn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi lại trong phòng, đứng lên, ngồi xuống và thực hiện một số bài kiểm tra cơ bản khác để giúp đánh giá đúng mức độ triệu chứng, khả năng thăng bằng, phối hợp vận động, hoặc khả năng nhận thức của bạn… Sau đó, một số xét nghiệm chẩn đoán có thể được chỉ định, chúng thường bao gồm:

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): có thể thấy hình ảnh teo não, vôi hoá ở não, giãn các não thất, giúp chẩn đoán các nguyên nhân gây hội chứng Parkinson.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể thấy hình ảnh teo phần đặc của liềm đen, thu hẹp chất đen ở thân não trong bệnh Parkinson hoặc phát hiện được các nguyên nhân gây hội chứng Parkinson thứ phát.

- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): dùng các chất đánh dấu phát xạ để đánh giá tình trạng các tế bào thần kinh sản xuất dopamine ở liềm đen.

 Cac-bai-kiem-tra-ve-van-dong-giup-chan-doan-hoi-chung-Parkinson

Các bài kiểm tra về vận động giúp chẩn đoán hội chứng Parkinson

Điều trị hội chứng parkinson

Các phương pháp điều trị hội chứng Parkinson khác nhau phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.

Với hội chứng Parkinson nguyên phát (bệnh Parkinson) thì Levodopa – một tiền chất của Dopamin được coi là thuốc điều trị cơ bản, mang lại hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson, tuy nhiên thuốc không thể làm chậm được tiến triển của bệnh. Một số nhóm thuốc khác cũng có thể được sử dụng đơn độc hoặc phổi hợp với Levodopa để cho hiệu quả điều trị tốt hơn như chất chủ vận Dopamin (bắt trước tác dụng của Dopamin) hay thuốc kháng cholin (cải thiện sự mất cân bằng giữa dopamine và acetylcholinetrong não)…

Các trường hợp hội chứng Parkinson thứ phát sử dụng Levodopa thường không cho hiệu quả rõ rệt, thay vào đó người bệnh được ưu tiên sử dụng nhóm thuốc kháng cholin, thường dùng làtriexylphenidyle (Artane, Trihex…). Trong trường hợp nguyên nhân là do sử dụng thuốc an thần dài ngày, thì các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện sau khi ngưng hoặc giảm liều thuốc an thần.

Riêng với hội chứng Parkinson không điển hình cho đến nay vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị hữu hiệu, việc điều trị chủ yếu là dùng các phương pháp tập luyện, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu để cải thiện khả năng vận động, khả năng nói và dùng các thuốc hướng thần để cải thiện các triệu chứng về tâm thần.

Cùng với việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cũng cần duy trì các thói quen sống lành mạnh như tránh căng thẳng, hạn chế bia rượu, không sử dụng thuốc lá, ma túy… bởi chúng có thể làm tăng nặng các triệu chứng và thúc đẩy nhanh tiến triển của hội chứng Parkinson.

Có thể bạn quan tâm:

Giải pháp hỗ trợ làm giảm run chân tay do mọi nguyên nhân

Ds Thu Thảo

Nguồn tham khảo:

https://www.sharecare.com/health/parkinsons-disease/difference-parkinsons-parkinsonism
https://www.healthline.com/health/atypical-parkinsonism#pd-vs-atypical-parkinsonism

 

BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận