Run vô căn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, run thường tăng lên khi mệt mỏi, lo lắng; vậy nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị như thế nào?

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi bạn bắt gặp rất nhiều người già, trung niên, thậm chí cả những người trẻ mắc chứng run vô căn với các biểu hiện run giật bất thường, không kiểm soát được cử động cơ thể mình, thậm chí càng cố gắng điều khiển thì run lại càng tăng lên.

Nguyên nhân bệnh run vô căn?

Run vô căn là bệnh thường hay gặp nhất trong số các rối loạn vận động; Ở Mỹ có khoảng 5 triệu người, phần lớn từ 60 tuổi trở lên bị chứng bệnh này. Bệnh gặp nhiều gấp 20 lần so với bệnh Parkinson. Khác với bệnh Parkinson, run vô căn thường không dẫn đến biến chứng nặng nhưng lại làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Duong-doi-thi-vo-nao-neu-co-bat-thuong-co-the-la-co-the-la-dau-hieu-benh

Đường đồi thị (vỏ não) nếu có bất thường có thể là có thể là dấu hiệu bệnh run

Run vô căn xuất hiện âm thầm và tiến triển chậm, có thể khi mới xuất hiện các triệu chứng thường rất nhỏ nên người bệnh không thể nhìn thấy. Nhưng cùng với tuổi tác chứng run sẽ ngày càng trở nên rõ rệt. Nếu ở độ tuổi 40-60 tỷ lệ mắc là 4% thì những người từ 65 tuổi trở lên tỷ lệ mắc khoảng 14%. Nhìn chung run vô căn không có sự khác biệt về giới và chủng tộc tuy nhiên có một vài nghiên cứu cho thấy nữ bị run ở đầu nặng hơn nam trong khi nam bị run tư thế ở chi nặng hơn nữ.

Nguyên nhân chính xác gây run chưa được biết đến. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ở một số bệnh nhân có những tổn thương thần kinh ở một số phần của não (gồm đồi thị là nơi tiếp nhận tín hiệu đau và các tín hiệu cảm giác khác) gây nên tình trạng tăng động không kiểm soát được và gây ra run. Nhiều người thấy rằng họ bắt đầu bị run sau khi trải qua một đợt stress nặng như tai nạn hoặc cái chết của người thân. Mặc dù vậy không thể kết luận stress là nguyên nhân gây run vô căn, song nó có thể là tác nhân khiến cho bệnh trở nên nặng hơn.
Nếu run vô căn xảy ra ở nhiều thành viên trong một gia đình, nó được gọi là run có tính chất gia đình (di truyền) thường xuất hiện ở đầu độ tuổi trung niên. Các nhà khoa học đã xác định được hai gen gây ra bệnh run chân tay là FET1 và ETM2. Đây là các nghiên cứu bước đầu cho thấy rất có thể gen đóng một vai trò quan trọng trong các nguyên nhân gây ra run.

Triệu chứng bệnh

Đặc trưng của run vô căn là run tư thế - run khi vận động, thường xảy ra ở bàn tay, cánh tay, đầu, mí mắt, hoặc các cơ khác, hiếm khi ảnh hưởng đến chân hoặc bàn chân. Có thể thấy rõ biểu hiện run khi bệnh nhân duỗi thẳng hai tay để ngửa bàn tay; nếu đặt lên bàn tay một tờ giấy biên độ run sẽ rõ rệt hơn.

Run xảy ra khi viết và làm động tác tinh vi nhưng không thấy dạng chữ viết nhỏ dần đi như trong bệnh Parkinson. Tình trạng run có thể tăng nặng khi người bệnh mệt mỏi, lo âu; thường hết khi bệnh nhân ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Triệu chứng cụ thể có thể bao gồm:

- Đầu cũng có thể bị run dọc (kiểu gật đầu) hoặc run ngang (kiểu lắc đầu)

- Giọng nói run ảnh hưởng đến đối thoại

Run-vo-can-lam-nguoi-benh-kho-viet-chu-hoac-kho-ve-duoc-mot-vong-tron-xoay-tron-oc
Run vô căn làm người bệnh khó viết chữ hoặc khó vẽ được một vòng tròn xoáy trôn ốc

- Run tay dẫn đến khó khăn trong việc viết, vẽ, uống nước và sử dụng các công cụ sinh hoạt hàng ngày.

Đặc điểm chứng run vô căn:

- Xảy ra khi bạn di chuyển, tập trung chú ý hay khi vận động.

- Triệu chứng có thể giảm hoặc mất trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng thường trở nên nặng hơn theo độ tuổi.

- Run tăng lên khi stress, dùng các chất có chứa caffein và một số thuốc.

- Thường không xảy ra ở cả hai bên cơ thể cùng một lúc.

Bệnh diễn tiến khác nhau ở mỗi người: một số người có các triệu chứng khá nhẹ suốt đời, trong khi có người lại bị run nhiều hơn và tăng theo thời gian. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện: khó cầm tách hoặc cốc mà không đánh đổ nước ra ngoài; khó trang điểm ở nữ và khó cạo râu ở nam; viết khó, chữ viết có thể to dần, nghiêng ngả khó đọc; đi đứng khó khăn, nói năng không lưu loát rõ ràng; mất khả năng thực hiện những việc làm đòi hỏi kỹ năng vận động khéo léo như đánh đàn hoặc vẽ... Những biểu hiện đó khiến người bệnh dần mất đi tự tin vào bản thân, sống khép kín, dễ dẫn đến trầm cảm, đánh mất niềm vui sống ở người già.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh. Một số yếu tố được chú ý khi chẩn đoán:

- Run: run tư thế hoặc run khi hoạt động ở hai bên bàn tay và cẳng tay, cũng có thể là run đơn độc ở đầu không kèm theo dấu hiệu loạn trương lực cơ; run tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

- Khám thần kinh không thấy dấu hiệu bất thường.

- Tiêu chuẩn chẩn đoán thứ yếu là thời gian kéo dài của bệnh từ 3 năm trở lên, có tiền sử gia đình, đáp ứng tốt với rượu. Chẩn đoán run vô căn là chẩn đoán lâm sàng, không có các dấu ấn sinh học hay công cụ chẩn đoán hình ảnh nào có thể hỗ trợ cho chẩn đoán.

- Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: Run khi nghỉ một bên, cứng, chậm vận động, run khu trú với tư thế bất thường hoặc là run khởi phát đột ngột.

Kiểm tra sau đó có thể được tiến hành để loại trừ các nguyên nhân khác gây run như:

+ Bệnh cường giáp

+ Đột nhiên ngừng rượu sau khi uống rất nhiều trong một thời gian dài

+ Dùng quá nhiều caffein

+ Sử dụng một số thuốc

+ Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT đầu, MRI não và chụp X-quang) để loại trừ các nguyên nhân như: u não, viêm não,...

Bạn chỉ nhận được chẩn đoán run vô căn sau khi bác sĩ đã loại trừ tất cả các nguyên nhân khác có thể gây ra những triệu chứng của bạn.

Điều trị

Run vô căn có thể không cần điều trị trừ khi run ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của bạn. Việc điều trị hiện nay chủ yếu vẫn là sử dụng các loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng cùng với chế độ chăm sóc thích hợp.

Sử dụng thuốc

Thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng, các thuốc được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

Propranolol: là một thuốc kháng giao cảm - ức chế beta adregergic. Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3, hen và tiểu đường phụ thuộc insulin.

Primidone: một loại thuốc dùng để điều trị động kinh, giúp giảm các triệu chứng run giật.

Các loại thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
Propranolol có thể gây ra mệt mỏi, nghẹt mũi, nhịp tim chậm, có thể gây ra hay làm nặng thêm các cơn hen suyễn.

Primidone có thể gây ra buồn ngủ, giảm khả năng tập trung, buồn nôn, các vấn đề về giữ thăng bằng và thực hiện các động tác phối hợp.

Các thuốc khác có thể làm giảm rung giật bao gồm:

Thuốc chống động kinh như Gabapentin và Topiramate.

Thuốc an thần nhẹ như Alprazolam hoặc Clonazepam.

Thuốc thuốc chẹn kênh canxi như Flunarizine và Nimodipine.

Tiêm Botox vào phần tay bị run giật để giảm triệu chứng do có tác dụng làm giãn cơ tại chỗ.

Nếu run trở nên tồi tệ hơn khi dùng thuốc, bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ để bác sĩ có thể điều chỉnh việc tiếp tục hay ngừng sử dụng thuốc, giảm liều lượng, hoặc chuyển đổi thuốc mới. Và hãy nhớ một nguyên tắc "Trong quá trình điều trị bệnh nhân không bao giờ được tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc".

Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp triệu chứng nặng mà tất cả thuốc điều trị đều không còn hiệu lực. Các biện pháp phẫu thuật đang được sử dụng trên thế giới hiện nay: Phẫu thuật mở đồi thị và kích thích não sâu. Hiện nay tại Việt Nam kĩ thuật này còn rất hạn chế do việc thực hiện phức tạp và chi phí cao.

Chăm sóc

Run vô căn không phải là một bệnh nguy hiểm và ít gây hậu quả nghiêm trọng như bệnh Parkinson nhưng lại gây nhiều phiền nhiễu, cản trở các hoạt động hàng ngày của người bệnh và tạo ra các trở ngại về tâm lý khiến bệnh nhân trở nên cô độc và ngại giao tiếp, đặc biệt ở người bệnh run vô căn nếu gặp phải tình trạng căng thẳng thì các biểu hiện run sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó người bệnh nên:

- Ngủ đủ giấc.

- Tránh caffein vì có thể làm cơ thể sản sinh nhiều Adrenalin, khiến run nặng hơn.

- Hạn chế uống rượu: Một số người nhận thấy run được cải thiện trong một giờ sau khi uống rượu, nhưng uống rượu không phải là giải pháp tốt cho người bị run vô căn. Bởi vì run thường nặng hơn một khi tác dụng của rượu mất đi. Hơn nữa, lượng lớn rượu cần thiết để làm giảm run có thể dẫn đến nghiện rượu mạn tính.

- Thực hiện những bài tập thể dục: Người bệnh có thể nhờ các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cho các bài tập phù hợp. Ví dụ dùng những quả tạ từ 0, 5-1 kg buộc vào cổ tay để tập nâng lên xuống, người bệnh có thể tăng cường đi bộ, múa quyền...

Đối với run vô căn, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì người bệnh cũng nên chú ý lựa chọn một chế độ chăm sóc, luyện tập phù hợp sẽ giúp làm giảm triệu chứng và làm chậm lại sự phát triển của bệnh.

DS. Lê Việt Ánh
Nguồn: http://www.nlm.nih.gov 

BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận