Trẻ em với run vô căn
Cài nút áo sơ mi, buộc dây giày, chạy nhảy, ăn uống… vốn là những việc hết sức dễ dàng đối với một đứa trẻ bình thường. Nhưng đối với trẻ em bị run vô căn thì công việc hàng ngày như thế này có thể trở thành một thách thức về ý chí, sự khéo léo và sức chịu đựng.
Những khó khăn trẻ gặp phải khi lớn lên với run vô căn
Từ sơ sinh đến 12 tuổi, trẻ em trải qua một loạt các thay đổi về cảm xúc, trí tuệ và thể chất. Theo thời gian, các hoạt động vận động ngày càng phức tạp, cùng những biến động về tâm sinh lý có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Trẻ em bị run vô căn
Đặc biệt đối với trẻ bị run vô căn thường cảm thấy mình khác với các bạn cùng trang lứa về hoạt động, nhận thức, kết quả học tập… Từ đó dẫn đến cảm giác tự ti, cô lập, là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và trẻ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, từ chối tất cả các mối quan hệ, hoạt động tập thể - ngay cả các hoạt động đơn giản nhất như chơi các trò chơi theo nhóm. Trẻ bị run vô căn có thể thường xuyên cảm thấy buồn bực, tức giận vô cớ và rối loạn cảm xúc, mặc dù cha mẹ, thầy cô vẫn gần gũi, chăm sóc và hỗ trợ các em. Vấn đề đặt ra là cần có một phương pháp giáo dục đặc biệt dành cho các trẻ em bị run vô căn.
Thách thức với người thân
Trẻ em bị run vô căn có thể gặp khó khăn trong rất nhiều hoạt động bình thường. Chúng thường tránh xa các hoạt động tập thể và ngại giao tiếp xã hội bởi không muốn đối mặt với những thái độ tiêu cực và những lời phê bình hay chỉ trích của bạn bè và người lớn. Thông thường những đứa trẻ này sẽ không bao giờ yêu cầu được giúp đỡ vì chúng không muốn bị đối xử khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa, trong khi đó chúng lại gặp rất nhiều khó khăn trong cả những hoạt động hằng ngày, đơn giản như: Ăn uống mà không làm đổ, hoạt động chạy nhảy, cắt bằng kéo, viết chữ trong vở hoặc trên bảng, cài nút áo, chơi với đồ chơi ghép hình, buộc dây giày, đứng phát biểu trong lớp,… Đây chính là một thách thức với người thân, đặc biệt là bố mẹ của trẻ để giúp con mình có thể phát triển bình thường cả về tâm - sinh lý.
Cách giúp đỡ những trẻ em bị run vô căn
Ở nhà
Người thân cần giúp trẻ nhận thức được chúng được yêu thương như thế nào dù gặp phải những khó khăn và hay gây lỗi lầm trong khi vận động. Sự chấp nhận và hiểu biết của người thân sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ em bị run vô căn. Hãy giúp đỡ trẻ từ những công việc cụ thể như sau:
• Trước hết cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh để được khám, xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
• Khen khi trẻ khi có thành tích và khuyến khích trẻ kiên trì trong mọi hoạt động hoặc khi gặp phải thách thức.
• Chỉ đưa ra các mục tiêu thực tế, đơn giản phù hợp với con của bạn.
• Hãy trung thực với con về tình trạng bệnh để trẻ xác định tinh thần và cùng cố gắng.
• Không bao giờ mỉa mai, nhận xét gây tổn thương về những trẻ em bị run khác.
• Mua áo thun để trẻ không phải đối phó với các cúc áo.
• Khuyến khích trẻ chia sẻ với người khác về bệnh run giật của mình để giúp giảm bớt sự ngạc nhiên của họ.
• Khuyến khích trẻ đánh máy bất cứ khi nào có thể. Sử dụng tích hợp bàn phím và chuột trong hệ điều hành máy tính ở nhà để trẻ hoạt động dễ dàng hơn.
Ở trường
Việc hòa nhập tốt vào môi trường học đường có thể giúp loại bỏ các vấn đề của trẻ một cách nhanh chóng. Cần trao đổi về bệnh của trẻ với các thầy cô giáo, nhân viên y tế ở trường để tạo điều kiện giúp đỡ trẻ khi cần. Trong khi làm bài tập có thể trao đổi với giáo viên không đòi hỏi trẻ phải sao chép các câu hỏi như một phần của câu trả lời mà có thể trả lời một cách ngắn gọn nhất có thể hoặc xin thêm thời gian để trẻ hoàn thành các bài làm bằng văn bản dài.
Việc chuẩn bị kĩ lưỡng về tâm lý cho trẻ cũng như chia sẻ để nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của những người xung quanh để tạo một môi trường hòa nhập tốt, giảm tình trạng tự ti, cô độc của trẻ chính là yếu tố mấu chốt, quyết định đến sự phát triển bình thường của nhưng trẻ em mắc run vô căn.
DS. Lê Việt Ánh
Bình luận