Sử dụng tế bào gốc trong điều trị Parkinson (2)
Trong khi đó, tế bào thần kinh là loại tế bào có tính biệt hóa cao, khi đã chết đi thì sẽ không có khả năng phục hồi và tái sinh – đây chính là vấn đề nan giải mà các phương pháp điều trị hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Vì vậy nhiều nghiên cứu đang được tiến hành liên quan đến cấy ghép tế bào bào thai, tế bào gốc và liệu pháp gen nhằm thay thế các tế bào thần kinh đã chết đang là một hướng đi mang lại nhiều hi vọng mới cho người bệnh.
Cấy ghép tế bào thai là gì?
Cấy ghép tế bào thai là một phương pháp trong đó các tế bào phôi thai được cấy vào não bộ của những người mắc bệnh Parkinson nhằm thay thế các tế bào sản xuất Dopamine trong chất xám. Mặc dù phương pháp này có nhiều hứa hẹn nhưng xung quanh nó vẫn còn rất nhiều tranh cãi, như tế bào bào thai được cấy ghép gây ra sự gia tăng rối loạn vận động do Dopamine quá nhiều hoặc những phản đối về luân lý, đạo đức trong việc sử dụng tế bào của thai để cấy ghép. Kết quả là tính khả thi không cao và các phương pháp điều trị khác tiếp tục được khám phá và tìm kiếm.
Làm thế nào để tế bào gốc giúp được những người bị Parkinson?
Tế bào gốc là tế bào nền móng của tất cả các tế bào mô và cơ quan trong cơ thể. Nhờ khả năng vô song, đó là chúng có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác trong cơ thể - đóng vai trò là hệ thống sửa lỗi cho cơ thể. Về mặt lý thuyết chúng có thể phân chia không hạn định để thay thế các tế bào khác và đồng thời đảm bảo số lượng tất cả các loại tế bào trong cơ thể, miễn là con người còn sống. Khi một tế bào gốc phân chia, mỗi một tế bào mới vừa có khả năng trở thành tế bào gốc vừa có thể trở thành một loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt như tế bào cơ, tế bào hồng cầu hay tế bào thần kinh.
Sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh Parkinson đang là hướng đi có triển vọng trong tương lai
Tất cả các loại tế bào gốc, dù bắt nguồn từ đâu, cũng đều có 3 đặc tính chung: có khả năng phân chia và tự tái tạo trong khoảng thời gian dài; không bị biệt hóa; có thể phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt. Ở điều kiện thích hợp, tế bào gốc có thể phát triển thành các mô và cơ quan chuyên biệt.
Những đặc tính độc nhất vô nhị này là yếu tố hứa hẹn, khiến tế bào gốc trở thành nguồn cung cấp tế bào giống như tế bào thần kinh sản xuất Dopamine nhằm điều trị các chứng bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, có những lo ngại cho rằng các bệnh nhân có thể có nguy cơ tăng chuyển động ngoài ý muốn giống những người sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào thai. Mặt khác liệu pháp tế bào cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi các tranh cãi về đạo đức.
Các loại nghiên cứu về di truyền đang được thực hiện thì sao?
Các nhà nghiên cứu đang điều tra những gen mã hóa protein chịu trách nhiệm sản xuất Dopamine và tìm cách tăng lượng Dopamine trong não, nhờ đó các triệu chứng Parkinson có thể được cải thiện.
Trong khi đó nhiều biện pháp điều trị khác cũng đang được nghiên cứu và sử dụng như:
Điều trị bằng thuốc: Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm loại thuốc giúp ngăn chặn hoạt động của glutamate vốn là một loại axit amin phá hủy các tế bào thần kinh, đồng thời nghiên cứu vai trò của các chất chống oxy hóa như coenzyme Q-10 trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson.
Yếu tố tăng trưởng thần kinh: nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng yếu tố tăng trưởng thần kinh (kích thích các dây thần kinh phát triển) sẽ giúp phục hồi các tế bào vốn không hoạt động để sản xuất Dopamine, cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh Parkinson.
Kích thích não sâu: Phương pháp này hiện đang được sử dụng và đầy hứa hẹn với bệnh nhân Parkinson vì biện pháp này cho đáp ứng tốt hơn so với các liệu pháp điều trị thuốc hiện nay. Tuy nhiên hình thức điều trị này có thể đưa đến một số rủi ro thậm chí dẫn tới tử vong, chưa kể đến chi phí thực hiện khá cao. Hiện tại các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến phương pháp này để hạn chế rủi ro và mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
DS. Phan Thu Thảo
Bình luận