Di chứng tim và mạch máu sau nhiễm Covid-19 có thể xảy ra trên cả những người khỏe mạnh. Vậy di chứng thường gặp nhất ở tim mạch là gì, nguy hiểm ra sao? Câu hỏi này BS.CK2 Vũ Minh Đức - chuyên gia về tim mạch giàu kinh nghiệm giải đáp trong bài viết dưới đây.

Virus SARS-CoV-2 tấn công trái tim và để lại nhiều di chứng

Phổi được xem là “trận địa” quan trọng của COVID-19, nhưng lại gây tác động rất lớn đến sức khỏe tim mạch. Nhờ BS giải thích rõ hơn, sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 tấn công trái tim của người bệnh ra sao?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Khi mới biết đến COVID-19, chúng ta thấy rằng, virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể qua đường hô hấp, phổi. SARS-CoV-2 sẽ bám vào thụ thể men chuyển tên là angiotensin 2 (ACE2) để đột nhập vào tế bào của vật chủ và gây ra hàng loạt sự cố.

Trong cơ thể, có 3 cơ quan nhiều thụ thể ACE2 nhất, đó là đường hô hấp, tim và mạch máu. Vì vậy, những người mắc COVID-19 không chỉ bị tấn công đường hô hấp mà còn cả tim và mạch máu.

Trong quá trình thăm khám thực tế cùng các dữ liệu nghiên cứu trên thế giới, BS nhận định như thế nào về tỷ lệ và khả năng gặp biến chứng tim mạch hậu COVID-19?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Thường, khi nói đến tỷ lệ và khả năng gặp biến chứng của một bệnh lý nào đó cần phải dựa vào bằng chứng khoa học. Đến thời điểm hiện tại, COVID-19 còn quá mới mẻ và các nhà khoa học vẫn đang tất bật với những nghiên cứu, do đó thống kê dịch tễ học về dịch COVID-19 còn chưa nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cập nhật những con số mới nhất để mọi người cùng nắm và hình dung được tỷ lệ sự cố, di chứng tim mạch hậu COVID-19:

Một nghiên cứu đoàn hệ lớn nhất đến thời điểm này ghi nhận có sự cố về tim cấp chiếm 7,2%, tỷ lệ sốc là 8,7%, một số tác giả ghi nhận tỷ lệ rối loạn nhịp là 16,7%. Đây là những con số không quá cao nhưng cũng không thể khiến chúng ta bỏ qua được.

Riêng ở Mỹ, trên tạp chí Nature vào tháng 10/2021 đăng tải, tỷ lệ thuyên tắc phổi xảy ra ở người hậu COVID-19 cao gấp 2,2 lần so với người không mắc COVID-19. Ở những bệnh nhân COVID-19 không nhập viện, cứ 1.000 bệnh nhân có 6 ca bị suy tim, 3 ca bị thuyên tắc phổi. Đây là những sự cố có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Trong nghiên cứu này, ở nhóm người nhập viện ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim cao gấp 14 lần.

Tại Việt Nam, đã có tỷ lệ % được công bố nhưng mẫu còn khiêm tốn. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tỷ lệ biến chứng tim mạch xảy ra ở 13,7%. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trên tổng số bệnh nhân đến khám về các vấn đề hậu COVID-19 ghi nhận 5-10% tỷ lệ có di chứng đông máu.

ITK-2502-10.jpg

Trong các di chứng hậu COVID-19, biến chứng tim mạch sẽ xảy ra trong bao lâu kể từ khi nhiễm SARS-CoV-2 ạ?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Di chứng về tim mạch có thể xảy ra ngay trong lúc bệnh nhân là một F0. Người ta ghi nhận, di chứng tim mạch có thể xảy ra nhiều tuần hoặc vài tháng, dai dẳng sau một thời gian dù đã lành bệnh, cơ thể sạch virus. Di chứng về tim mạch, nhất là cơ tim, ban đầu hầu hết không thấy triệu chứng ồ ạt nhưng mỗi ngày sẽ thầm lặng tổn thương một phần. Một số trường hợp bị bệnh cơ tim, gây hỏng cơ tim, tình trạng này có thể xảy ra vài tháng sau đó.

Di chứng tim mạch khác biệt ra sao giữa người khỏe mạnh và người bệnh mạn tính?

Di chứng tim mạch có khác nhau giữa người khỏe mạnh với những người có bệnh mạn tính, hay có những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như là đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân - béo phì, thưa BS?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Đúng là có sự khác biệt. Chúng ta mường tượng rằng, nếu có một cơn bão ập vào nhà mới xây, nền móng còn vững chắc thì có thể chỉ gây ra tổn thương một phần nào đó. Nhưng ngược lại nếu vào một căn nhà xập xệ thì cơn bão tàn phá thảm khốc.

Trên bệnh nhân đái tháo đường hoặc bị bệnh mạch vành trước đó, tổn thương mạch máu đã có sẵn, nếu bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 thì hiện tượng viêm, tổn thương nội mô mạch máu càng nặng hơn nữa, làm cho mạch máu tổn thương nhanh hơn, dễ hình thành huyết khối, nguy cơ biến cố tim mạch cao hơn.

COVID-19 gây tổn thương mạch máu thế nào?

Như BS vừa chia sẻ, các biến chứng ở tim mạch gồm hai nhóm trên tim và trên mạch máu. Xin hỏi BS, SARS-CoV-2 gây tổn thương mạch máu thế nào và hậu quả cụ thể ra sao?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Như từ đầu chương trình tôi đã nói, có 3 cơ quan nhiều thụ thể ACE2 nhất đó là đường hô hấp, tim và mạch máu. Trong đó, thụ thể ACE2 đóng vai trò như “ổ khóa” và virus SARS-CoV-2 có “chìa khóa”. Vì vậy, những cơ quan nào, vị trí nào có “ổ khóa” ACE2 thì SARS-CoV-2 đều mở khóa được.

Riêng với mạch máu, SARS-CoV-2 sẽ “đột nhập” vào tế bào của vật chủ ở trong lòng mạch máu (tế bào nội mô trong lòng mạch máu) và tàn phá. Bình thường, tế bào nội mô trong lòng mạch máu trơn láng như “cầu tuột” để máu dễ dàng lưu thông, nhưng khi SARS-CoV-2 phá hủy tế bào nội mô trong lòng mạch máu sẽ để lộ bề mặt bên trong, không còn trơn láng nữa, “cầu tuột” đã có những vết trầy, khi đó máu sẽ khó lưu thông thuận lợi.

Khi đó, tiểu cầu trong máu nhận thấy có vấn đề trục trặc và sẽ đến để trám vào. Chính sự xuất phát của tiểu cầu sẽ kêu gọi và bắt đầu hình thành đông máu. Với sự tập trung của những chất thrombin và những chất đông máu sẽ tạo thành cục máu đông, hay trong y khoa gọi là huyết khối. Lúc này, khi huyết khối đã hình thành sẽ tương tự như “cầu tuột” của chúng ta bị nút tắc lại bằng nùi giẻ, mạch máu tắc sẽ gây ra sự cố.

BSCKII Vũ Minh Đức chia sẻ về di chứng trên tim và mạch máu hậu Covid-19

BSCKII Vũ Minh Đức chia sẻ về di chứng trên tim và mạch máu hậu Covid-19

COVID-19 gây tổn thương tim qua cơ chế nào?

Nhờ BS nói cụ thể hơn về cơ chế gây tổn thương tim của SARS-CoV-2 ạ?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Đối với tim, SARS-CoV-2 gây tổn thương bằng 3 cơ chế:

- Thứ nhất, tương tự như phổi và mạch máu, SARS-CoV-2 sẽ bám vào thụ thể ACE2 có trên cơ tim. Người ta gọi đây là tổn thương trực tiếp trên cơ tim.

- Thứ hai, cơ tim bị tổn thương gián tiếp. Khi SARS-CoV-2 “đột nhập” vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng viêm để “cầu cứu” hệ miễn dịch tìm giải pháp đánh chặn SARS-CoV-2. Lúc đó, hệ miễn dịch sẽ huy động bạch cầu để đến “chiến đấu” với vật thể lạ. Nhưng trong quá trình chiến đấu, bạch cầu lại giải phóng một chất gọi là cytokin - làm nhiệm vụ như những người đi phóng loa, lan truyền cho cả cơ thể biết đang có SARS-CoV-2 xâm nhập - để tập hợp rất nhiều bạch cầu đến.

Liên tiếp các đợt bạch cầu được huy động để đánh lại SARS-CoV-2. Đến một lúc nào đó, cytokin và bạch cầu đều quá nhiều, vượt tầm kiểm soát của hệ miễn dịch. Sự tích cực một cách thái quá, mất bình tĩnh, luýnh quýnh của hệ miễn dịch có thể gây ra cơn bão cytokin.

Khi bão cytokine hình thành, hệ miễn dịch của chúng ta bao gồm bạch cầu, cytokin, kháng thể không chỉ tấn công SARS-CoV-2 mà còn bắt đầu tấn công cả các tế bào lành, trong đó có tế bào lành của cơ tim.

- Thứ ba, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, tấn công vào phổi. Bình thường, phổi làm nhiệm vụ lọc máu dơ, làm cho máu giàu oxy, nhưng khi bị SARS-CoV-2 tấn công, phổi bị tổn thương thì không thể làm nhiệm vụ giúp cho máu giàu oxy nữa. Như vậy, tim phải lưu chuyển một dòng máu nghèo oxy. Muốn cung cấp đủ oxy cho các mô cơ quan ở khắp mọi nơi trong cơ thể thì tim phải tăng lượt bóp, tăng độ mạnh co bóp, dẫn đến tim dễ bị mệt mỏi và suy.

Những biến cố thường gặp ở tim hậu COVID-19

COVID-19 gây ra những biến cố nào cho tim? Trong đó, biến cố nào là thường gặp nhất và nguy hiểm nhất?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Có nhiều tổn thương ở tim, nhưng đáng kể nhất là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim, thậm chí hình thành huyết khối gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp và có thể suy tim sau nhồi máu cơ tim. Một trong những đặc điểm chúng ta ghi nhận trong di chứng tim mạch hậu COVID-19 cũng như trong quá trình đang điều trị COVID-19 đó là rối loạn nhịp tim.

Tất cả những thay đổi bất lợi, từ cơ tim đến mạch máu nuôi tim đều có thể làm cho sức khỏe cơ tim không còn hoàn hảo, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ suy yếu dần và có thể dẫn đến suy tim. Hoặc một bệnh nhân bị di chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sẽ thấy mệt, khó thở, cơ tim không khỏe khoắn và cần một thời gian để hồi phục.

Suy tim

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Suy tim do cơ chế tấn công trực tiếp của SARS-CoV-2 lên cơ tim. Một trường hợp suy tim sau COVID-19 sẽ có 2 kiểu:

- Thứ nhất, với trường hợp bệnh nhân không có bệnh nền, một trái tim khỏe mạnh hoàn toàn, cơ tim đang bị viêm, sưng to, nhưng vẫn không được nghỉ ngơi, mỗi ngày vẫn phải co bóp (khoảng 70 lần/ phút), dẫn đến cơ tim mềm, yếu, tương tự như “cua lột”.

- Thứ hai, ngược lại, với người đã có bệnh tim trước đó (ví dụ như suy tim, bệnh mạch vành, tiểu đường…) thì chất lượng cơ tim không được khỏe khoắn, chỉ còn khoảng 60-70% của cơ tim khỏe mạnh bình thường và bị SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp sẽ dễ dẫn đến suy tim hơn.

Rối loạn nhịp tim

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Rối loạn nhịp tim cũng có nhiều cơ chế. Trong tim có nút xoang giống như “ổ điện”, khi phát điện tim sẽ đập, tuy nhiên nếu không may SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể và nút xoang bị tổn thương gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim (ví dụ nhịp chậm, nhịp nhanh, nhịp không đều, ngoại tâm thu, một số trường hợp nặng có thể gây những loạn nhịp nguy hiểm như rung thất, nhanh thất, có khả năng dẫn đến tử vong).

Tổn thương mạch máu phổi

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Phổi là cơ quan lọc máu dơ từ tim phải đưa lên (tim phải của chúng ta làm nhiệm vụ thu hồi máu dơ từ khắp các cơ quan và bơm lên phổi, khi đó phổi có trọng trách lọc lại để có máu tươi mát đưa xuống tim trái).

Động mạch và tĩnh mạch phổi lại ngược lại với động mạch bình thường của chúng ta. Đã là mạch máu thì tất cả các tế bào nội mô trong lòng mạch máu đều có thể bị tấn công bởi SARS-CoV-2. Và phổi cũng không được loại trừ. Ở phổi có rất nhiều mạch máu, nên tổn thương mạch máu tại phổi, từ động mạch, tĩnh mạch đến mao mạch càng phải lưu ý hơn.

Hậu quả nặng nề cho hệ vi mạch

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Thuật ngữ vi mạch, vi là nhỏ nên khiến nhiều người không quan tâm. Chúng ta nhìn thấy trái tim được bao quanh bởi 2 động mạch vành (vành trái và vành phải) và nghĩ rằng trái tim sống bởi 2 động mạch đó. Nhưng thực tế không phải vậy. 2 động mạch vành sẽ có nhiều nhánh nhỏ li ti đâm xuyên vào những thớ cơ để nuôi cơ. Vì vậy, vi mạch máu rất quan trọng, đóng vai trò nuôi dưỡng từng tế bào cơ tim.

Trong thời gian tôi làm can thiệp mạch vành, một bệnh nhân bị tắc động mạch vành phải nhưng vẫn có cơ hội sống sót, thậm chí không có triệu chứng đau ngực. Khi chụp hình đã thấy rằng, động mạch trái vẫn có nhánh của nó, tương tự như rễ cây, tạo thành những nhánh nhỏ chảy về phía mạch máu bị tắc phía bên phải để nuôi phần bị tắc không đưa máu xuống được. Trong chuyên môn gọi là tuần hoàn bàng hệ, nhưng đó là một hệ vi mạch máu để nuôi toàn bộ cơ tim.

Vi mạch máu nhìn nhỏ nhưng chiếm khối lượng 50% của trái tim. Nếu mạch máu càng nhỏ thì lòng mạch càng nhỏ, sẽ dễ đến đến tắc hơn. Do đó, vấn đề vi mạch và làm sao tái tạo được tưới máu vi mạch là điều rất quan trọng.

Xem toàn bộ chương trình tư vấn Phòng biến chứng tim mạch hậu Covid-19 trong video sau đây:

Theo Alobacsi

Ích Tâm Khang Platinum giúp tăng lưu thông máu đến tim, giảm đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim

Bình luận